Mô hình kết hợp phát triển kinh tế và đảm bảo ASXH

Thứ Hai, 19 /05/2025 19:56

Tại quận Ô Môn, TP.Cần Thơ, từ sự tích cực của các ban ngành, đặc biệt là cán bộ Hội LHPN, các mô hình về an sinh đã ra đời. Qua đó, giúp nhiều phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện cũng như BHYT, để cuộc sống nhẹ gánh, lo cho hiện tại và tương lai sau này.

“Phụ nữ đồng hành cùng BHXH tự nguyện”.

Hưởng ứng Tháng Vận động, triển khai BHXH toàn dân do ngành BHXH Việt Nam phát động, mới đây tại quận Ô Môn, Hội LHPN phối hợp cùng BHXH quận và Tổ chức dịch vụ thu thành lập và ra mắt mô hình Phụ nữ đồng hành cùng BHXH tự nguyện.

Thêm mô hình giúp chị em phụ nữ tiếp cận lưới an sinh

Tại Lễ ra mắt mô hình, chị Tô Thị Thành An- Chủ tịch Hội LHPN phường Long Hưng, quận Ô Môn nhấn mạnh, Ban Thường vụ Hội LHPN phường đã xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình Phụ nữ đồng hành cùng BHXH tự nguyện. Mô hình được kỳ vọng không chỉ giúp hội viên chủ động tham gia BHXH tự nguyện, mà còn khuyến khích các chị em tích cực tuyên truyền, chia sẻ thông tin về BHXH, BHYT đến người thân, bạn bè, từ đó góp phần lan tỏa chính sách ASXH trong cộng đồng. Đây cũng là bước đi quan trọng nhằm hình thành mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở về BHXH tự nguyện, góp phần xây dựng hệ thống ASXH bền vững, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Ngay trong ngày ra mắt mô hình, Ban Tổ chức phối hợp với BHXH quận Ô Môn và Tổ chức dịch vụ thu Happy Lee đã tiến hành trao sổ BHXH cho 20 chị em đăng ký tham gia mới BHXH tự nguyện cho bản thân và người thân gia đình, thể hiện cam kết đồng hành và thúc đẩy chính sách ASXH. Kết quả này không chỉ thể hiện sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của người dân, mà còn góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ và lâu dài trong cộng đồng. Qua đó, mô hình hướng tới mục tiêu phát triển và duy trì bền vững số lượng người tham gia vào hệ thống ASXH của địa phương.

Ông Huỳnh Hoàng Tưởng, Phó Chủ tịch UBND phường Long Hưng, khẳng định BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội trụ cột, mang tính nhân văn sâu sắc và là nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Ngay từ đầu năm 2025, Ban Chỉ đạo BHXH, BHYT phường đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. UBND phường đã ban hành kế hoạch và giao chỉ tiêu thực hiện theo hai mốc thời gian giữa năm và cuối năm. Chỉ tiêu được phân bổ rõ ràng cho từng khu vực, các hội, đoàn thể và các trường học trên địa bàn. Đồng thời, phường đã hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để Hội LHPN phường xây dựng, triển khai các mô hình thiết thực trong thời gian qua, góp phần tạo hiệu quả kinh tế, nâng cao nhận thức và tạo điều kiện để mọi hội viên đều có thể tham gia BHXH tự nguyện, từ đó góp phần đảm bảo ASXH trên địa bàn. Hành động này thể hiện tinh thần chủ động, quyết liệt và trách nhiệm cao của chính quyền địa phương trong thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND và Quyết định của UBND quận Ô Môn giao.

Sự đồng lòng của chị em phụ nữ

Tại Lễ Ra mắt, các đại biểu còn được nghe bà Lê Thị Thanh Thảo- Phó Giám đốc BHXH quận Ô Môn, triển khai một số điểm mới trọng tâm của Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2024, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Những điểm mới đáng chú ý bao gồm bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; quy định chế độ tử tuất một lần bằng số tiền đã đóng đối với người lao động có thời gian tham gia BHXH chưa đủ 60 tháng; giảm số năm đóng BHXH tối thiểu xuống còn 15 năm để được hưởng lương hưu khi đủ tuổi theo quy định; và bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng dành cho công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu, chưa đủ điều kiện nhận trợ cấp hưu trí xã hội, nếu không nhận BHXH một lần và không bảo lưu thời gian đóng, có yêu cầu thì sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình… Thông qua nội dung này, Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và người dân về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia BHXH tự nguyện, góp phần thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách ASXH trên địa bàn.

Tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ

Trong bối cảnh phát triển kinh tế- xã hội hiện nay, việc tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là phụ nữ ở các địa phương vẫn là một trong những mục tiêu trọng tâm của các cấp, ngành. Tại phường Long Hưng, quận Ô Môn, mô hình phát triển kinh tế do Hội LHPN phường khởi xướng và triển khai đã trở thành điểm sáng, mang lại hiệu quả thiết thực cả về mặt kinh tế lẫn ASXH. Các mô hình này không chỉ giúp chị em phụ nữ có việc làm, nâng cao thu nhập mà còn nâng cao nhận thức và sự chủ động trong việc tham gia các chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.

Thấu hiểu những khó khăn trong đời sống của nhiều hội viên, đặc biệt là những chị em phụ nữ không có việc làm ổn định hoặc là lao động tự do, Hội LHPN phường Long Hưng dưới sự dẫn dắt của chị Tô Thị Thành An- Chủ tịch Hội, đã tích cực tìm tòi, nghiên cứu để xây dựng và triển khai các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương. Tinh thần "trao cần câu thay vì cho con cá" đã được cụ thể hóa bằng những mô hình sát với đời sống, dễ thực hiện và có khả năng nhân rộng đã tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ địa phương.

Lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các chính sách ASXH

Một số mô hình tiêu biểu được triển khai như: Tổ liên kết đan lú- đan lưới, Tổ liên kết lao động thời vụ, Tổ liên kết phụ nữ may gia công, Tổ thụ phấn cho cây na (quẹt nụ)... Các tổ này không chỉ tạo công ăn việc làm tại chỗ mà còn giúp các hội viên có thu nhập ổn định từ 4- 6 triệu đồng/tháng, đây là mức thu nhập tương đối ổn định so với mặt bằng chung lao động nông thôn. Mỗi tổ liên kết có từ 15- 30 thành viên, hoạt động theo hình thức tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm và phân công lao động phù hợp với năng lực, thời gian của từng người. Nhờ vậy, các chị em vừa có thể kiếm sống, vừa giữ gìn cuộc sống gia đình mà không phải rời quê đi làm ăn xa. Chị Trần Thị Thúy- thành viên tổ may gia công chia sẻ: "Từ khi tham gia mô hình, tôi vừa có thể ở nhà chăm con, vừa có thu nhập ổn định mỗi tháng gần 5 triệu đồng. Cuộc sống nhẹ gánh hơn nhiều, tôi còn dành dụm được để mua BHXH tự nguyện, lo cho tương lai sau này."

Điểm đặc biệt và nổi bật trong phương thức triển khai các mô hình kinh tế tại phường Long Hưng chính là việc lồng ghép hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các chính sách ASXH. Với quan điểm phát triển kinh tế phải đi liền với bảo vệ và chăm lo đời sống lâu dài cho người dân, Hội LHPN phường Long Hưng đã phối hợp chặt chẽ với BHXH quận Ô Môn tổ chức các buổi truyền thông, hướng dẫn cụ thể về quyền lợi và cách thức tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho hội viên.

Khi đã có nguồn thu nhập ổn định từ các mô hình kinh tế, nhiều chị em đã chủ động đăng ký tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo quyền lợi hưu trí và các chế độ khác trong tương lai. Đồng thời, việc tham gia BHYT hộ gia đình cũng giúp giảm gánh nặng chi phí y tế trong trường hợp ốm đau, bệnh tật- một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh tái nghèo. Kết quả cụ thể cho thấy hiệu quả rõ nét: Tổ may gia công có 14/14 thành viên tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Tổ lao động thời vụ có 18/26 thành viên tham gia BHXH tự nguyện và 100% thành viên có BHYT hộ gia đình. Tổ hợp tác vườn cây ăn trái có 10/23 chị em và người thân tham gia BHXH tự nguyện, và toàn bộ 100% chị em đều có BHYT hộ gia đình.

Việc gắn kết phát triển sinh kế với tuyên truyền chính sách đã hình thành một chuỗi liên kết khép kín, từ "có việc làm- có thu nhập- có an sinh", góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên phụ nữ một cách bền vững. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự chủ động của Hội LHPN phường, phường Long Hưng đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Cụ thể: Cuối năm 2024 số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 425/410, tương đương 103,66% kế hoạch giao; Số người tham gia BHYT đạt 13.260 người, tương đương 95,59% dân số. Đây là những con số “biết nói”, minh chứng cho sự đúng đắn trong cách làm và tư duy phát triển của địa phương- lấy người dân làm trung tâm, lấy an sinh làm nền tảng.

Không dừng lại ở việc hoàn thành chỉ tiêu, các mô hình còn góp phần lan tỏa ý thức tự chủ trong hội viên, giúp chị em hiểu rõ hơn vai trò của mình trong việc bảo vệ sức khỏe và tương lai, từ đó từng bước hình thành văn hóa an sinh bền vững tại cộng đồng. Từ thành công của Long Hưng, nhiều địa phương khác trên địa bàn quận Ô Môn và TP. Cần Thơ đã kham khảo, nghiên cứu để nhân rộng mô hình.

Thành công của các mô hình kinh tế gắn với ASXH tại phường Long Hưng là minh chứng rõ rệt cho một hướng đi đúng đắn, nhân văn và bền vững. Thông qua tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao nhận thức về chính sách an sinh, các mô hình này không chỉ giúp chị em thoát nghèo mà còn bảo vệ quyền lợi lâu dài của bản thân và gia đình. Với sự đồng lòng và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và người dân, mô hình phát triển kinh tế kết hợp ASXH tại Long Hưng chắc chắn sẽ còn lan tỏa rộng rãi, mang lại giá trị thiết thực và lâu dài cho cộng đồng.

Lê Thảo