Một số thuốc kháng sinh điều trị viêm bàng quang

Thứ Hai, 28 /08/2023 13:55

Bàng quang là một trong những cơ quan quan trọng của hệ bài tiết, có nhiệm vụ chứa nước tiểu do thận tiết ra trước khi thoát ra ngoài cơ thể theo đường niệu đạo. Ở trạng thái rỗng, bàng quang nằm hoàn toàn trong phần trước vùng chậu, phía sau là trực tràng và cơ quan sinh dục. Khi bàng quang chứa đầy nước tiểu sẽ căng lên thành hình cầu, vượt lên trên khớp mu và nằm trong ổ bụng.

Viêm bàng quang là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn vào trong bàng quang gây ra. Bệnh viêm bàng quang là một bệnh rất phổ biến, chiếm khoảng trên 50% số ca nhiễm trùng đường tiết niệu. Đa số bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu chủ yếu là do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào qua niệu đạo, nhất là ở phụ nữ vì đường tiết niệu rất ngắn.

Bình thường, hệ tiết niệu có cấu trúc ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập, hơn nữa nước tiểu cũng có đặc tính kháng khuẩn, ức chế sự sinh sản của vi khuẩn. Nhưng khi cơ thể suy yếu, giảm sức đề kháng, hoặc niệu đạo bị tổn thương, thì vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và gây bệnh. Cũng có một số trường hợp viêm bàng quang là do dùng thuốc, do đặt ống xông để thông tiểu, do xạ trị hoặc biến chứng do một số bệnh khác gây ra…

Vi khuẩn gây viêm bàng quang thường gặp nhất là Escherichia coli (E.Coli). Ngoài ra, còn có các vi khuẩn khác như: Chlamydia, Mycoplasma, Proteus, Klebsiella pneumoniae, Enterococcus faecalis, tụ cầu vàng hoặc trực khuẩn mủ xanh… cũng hay gặp khi bị viêm bàng quang. Do việc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách và lạm dụng thuốc kháng sinh, nên hiện nay tình trạng kháng thuốc ở các chủng vi khuẩn gram âm nói chung khá trầm trọng.

Chính vì vậy, điều trị viêm bàng quang đang ngày càng phải sử dụng các nhóm thuốc kháng sinh mới, đắt tiền và tuân thủ các phác đồ điều trị vi khuẩn gram âm kháng thuốc mạnh nhất hiện nay.
Một số lựa chọn thuốc kháng sinh ngay sau khi chẩn đoán viêm bàng quang cần phải sử dụng thuốc ngay là các loại kháng sinh có nồng độ cao trong nước tiểu phù hợp để điều trị như:

- Trimethoprim- Sulfamethoxazol: Chọn viên có hàm lượng 80/400mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong từ 3 đến 5 ngày.

- Cephalexin: Chọn viên có hàm lượng 500mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong 5 ngày.

- Nitrofurantoin: Chọn viên có hàm lượng 100mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong 5 ngày.

- Amoxicilin- Clavulanat: Chọn viên có hàm lượng 500/125mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong 5 ngày.

- Fluoroquinolon: Đây không phải là lựa chọn đầu tay, chỉ dùng khi các kháng sinh khác đã thất bại hay để điều trị viêm bàng quang cấp tái phát. Thuốc thường được chọn là Norfloxacin 400mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong từ 3 đến 5 ngày.

Đối với các tình trạng viêm bàng quang nặng hơn phải dùng thuốc tiêm truyền cần đưa ngay vào cơ sở y tế để điều trị có giám sát chặt chẽ và chọn thuốc theo kháng sinh đồ nếu có điều kiện phân lập được vi khuẩn gây bệnh. Hiện nay, vẫn sử dụng các thuốc kháng sinh để điều trị viêm bàng quang không biến chứng như: Amikacin, Tobramycin, Cefepim, Ciprofloxacin, Gentamicin, Imipenem-Cilastatin, Meropenem hoặc Trimethoprim-Sulfamethoxazol. Đây là các kháng sinh thông dụng, sẵn có và thường được sủ dụng ngay sau khi có chẩn đoán viêm bàng quang và kết quả kháng sinh đồ.

- Viêm bàng quang nhiễm khuẩn do Enterobacterales sinh β-lactamase phổ mở rộng (ESBL-E) lựa chọn điều trị ưu tiên là Nitrofuratoin và Trimethoprim-Sulfamethoxazol.

- Kháng sinh ưu tiên cho điều trị viêm bàng quang hông biến chứng do DTR-P.Aeruginosa là Ceftolozan-Tazobactam, Ceftazidim-Avibactam, Imipenem-Cilastatin-Relebactam, Cefiderocol.

- Colistin có thể được xem là một lựa chọn thay thế cho viêm bàng quang không biến chứng do CRE ( Enterobacterales kháng Carbapenem).

Hiện nay, tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn luôn thay đổi, gây nhiều thách thức trong điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn kháng thuốc. Các thuốc kháng sinh mới đang được đưa vào sử dụng trên lâm sàng để điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn kháng thuốc cần được đánh giá thêm về hiệu quả cũng như xu hướng kháng thuốc của vi khuẩn để đưa ra quyết định lựa chọn thuốc phù hợp. Với những vi khuẩn đa kháng, cần phối hợp ít nhất 2 kháng sinh ngay từ đầu dựa trên triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân.

Các biện pháp phòng ngừa viêm bàng quang được khuyến khích thực hiện ngay trong sinh hoạt hàng ngày bao gồm: Uống nhiều nước, sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, giữ thói quen đi tiểu khoảng 3h một lần, hạn chế sử dụng thuốc diệt tinh trùng và đặt vòng tránh thai. Bên cạnh đó, nhằm phòng ngừa bệnh cũng như tránh tình trạng tái phát bệnh, cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, cẩn trọng với những hoạt động tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cao như quan hệ tình dục bừa bãi, lạm dụng dung dịch vệ sinh, chất thụt rửa âm đạo…

ThS.Lê Quốc Thịnh