Năm 2024: Quảng Trị ước tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,52%

Thứ Hai, 18 /11/2024 10:38

Với nhiều giải pháp đồng bộ cũng như sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại tỉnh Quảng Trị đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, nhất người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tại tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm tổ chức triển khai hiệu quả. Chương trình tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp người nghèo, hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Điểm nhấn nổi bật nhất là các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng; mức sống dân cư được cải thiện góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước... Đặc biệt, đã có chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo; xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo…

Nhờ đó, trong giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 1,26%/năm, đạt kế hoạch so với chỉ tiêu của Trung ương và HĐND tỉnh giao (giảm bình quân 1-1,5%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo huyện nghèo ĐaKrông giảm bình quân 5,38%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh (4,5-5%/năm); tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân trên 7,3%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao (trên 4%/năm). 3 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã được công nhận xã NTM giai đoàn 2021-2025 (đạt chỉ tiêu so với kế hoạch của UBND tỉnh và vượt chỉ tiêu Trung ương giao). Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo 28 xã ĐBKK từ đầu năm 2022-2023 giảm bình quân 5,85%, đạt mục tiêu chương trình đặt ra (hằng năm giảm 3- 4%) là điều kiện thuận lợi để giảm số xã và thôn, bản thuộc diện ĐBKK.

Trên cơ sở ngân sách Trung ương bố trí, UBND tỉnh đã bố trí vốn đối ứng theo khả năng ngân sách của địa phương, kết hợp với việc huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng để tổ chức thực hiện Chương trình. Đồng thời, phát động mạnh mẽ phong trào đóng góp Quỹ vì người nghèo và huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa đến mọi tổ chức kinh tế, xã hội, các tầng lớp dân cư, nhằm huy động nguồn lực chia sẻ trách nhiệm cộng đồng để hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở được hỗ trợ sửa chữa, làm nhà mới.

Bên cạnh đó, việc lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện chương trình, dự án đã huy động được nguồn lực để hoàn thành thành các mục tiêu đề ra. Theo Sở LĐ-TB&XH, sở dĩ có được kết quả trên là do Quảng Trị đã chú trọng rà soát, hoàn thiện ban hành/sửa đổi bổ sung quy định thực hiện Chương trình kịp thời nhằm khuyến khích các tầng lớp tham gia hỗ trợ người nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững. Giao quyền cho địa phương trong việc xây dựng cơ cấu/điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án thành phần, tạo sự chủ động cho địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch cũng như tổ chức thực hiện Chương trình.

Đối với các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng, cần quy định về cơ chế tài chính rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tham gia vào các hoạt động cũng như thanh quyết toán kinh phí được hỗ trợ. Cấp uỷ, chính quyền các cấp phải quán triệt đầy đủ trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của mình; huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội trong thực hiện Chương trình; phân công trách nhiệm cụ thể cho cấp ủy, đơn vị phụ trách hỗ trợ, giúp đỡ địa bàn nghèo, có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn; phân công đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo. Đồng thời phát huy ý chí tự lực, tự cường của người dân, đặc biệt là người nghèo trong việc tham gia thực hiện dự án từ khả năng của bản thân họ, kết hợp với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và xã hội để thực hiện đạt mục tiêu đặt ra. Phát động mạnh mẽ phong trào đóng góp vào Quỹ vì người nghèo và huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa đến mọi tổ chức kinh tế, xã hội, các tầng lớp dân cư, nhằm huy động nguồn lực chia sẻ trách nhiệm cộng đồng để hỗ trợ người nghèo; lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách giảm nghèo, vốn vay ưu đãi nhằm thực hiệu có hiệu quả các dự án, tiểu dự án, hoạt động của Chương trình.

Bên cạnh đó, Quảng Trị cũng tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình thường xuyên ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc tổ chức thực thi chính sách, qua đó phát hiện những hạn chế, bất hợp lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời. Thay đổi và tổ chức thường xuyên hoạt truyền thông về Chương trình nhằm phát hiện, phổ biến các mô hình điển hình có hiệu quả để học hỏi, nhân rộng, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về thực hiện Chương trình giảm nghèo… Với những giải pháp đã và đang thực hiện, năm 2024, Quảng Trị ước tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,52% với 2.646 hộ nghèo, cận nghèo (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,11% với 1.960 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,41% với 686 hộ).

Nguyệt Hà