Ngành BHXH Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, đáp ứng yêu cầu của người dân và DN
BHXH Việt Nam vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về công tác kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử quý III/2024.
Cụ thể, BHXH Việt Nam đã thực hiện tích hợp bổ sung thêm 9 DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia gồm: Ủy quyền lĩnh thay các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp; truy lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH của người hưởng đã chết nhưng còn chế độ chưa nhận; giải quyết điều chỉnh, hủy quyết định, chấm dứt hưởng BHXH; giải quyết hưởng chế độ TNLĐ do thương tật tái phát; giải quyết hưởng chế độ tử tuất đối với người đang tham gia BHXH tự nguyện, bảo lưu thời gian đóng BHXH chết; giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đối với người có Quyết định hoặc GCN chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP; giải quyết hưởng trợ cấp đối với nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp, chưa được giải quyết chế độ mà từ trần từ ngày 1/1/2012 trở về sau theo Nghị định số 14/2020/NĐ-CP; giải quyết hưởng BHXH một lần đối với trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc chưa đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc đối với trường hợp lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; giải quyết hưởng BHXH một lần đối với NLĐ ra nước ngoài để định cư.
Tính đến thời điểm hiện tại, BHXH Việt Nam đã tích hợp, cung cấp 37 DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai DVC theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, trong quý III, toàn Ngành đã tiếp nhận và xử lý 11.259 giao dịch đăng ký, đóng BHXH tự nguyện; tiếp nhận và xử lý 67.380 trường hợp đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT, gia hạn thẻ BHYT thông qua DVC "Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT"; tiếp nhận và xử lý 87 hồ sơ thông qua DVC "Giải quyết hưởng BHXH một lần".
Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng triển khai tốt các DVC theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Cụ thể, trong quý III, toàn Ngành đã tiếp nhận và xử lý 162.439 hồ sơ thông qua 2 nhóm TTHC liên thông là "Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- trợ cấp mai táng phí". Hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BH thất nghiệp cho 98.939 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ.
Triển khai ứng dụng VssID, tiếp tục cung cấp 7 DVC trực tuyến dành cho cá nhân; phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cục C06, Bộ Công an) thực hiện điều chỉnh, nâng cấp ứng dụng VssID đáp ứng yêu cầu kết nối, tích hợp tài khoản định danh điện tử (tài khoản VNeID) với ứng dụng VssID (đăng nhập ứng dụng VssID bằng tài khoản VNeID). Đến nay đã có hơn 16,7 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng tiếp tục thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ như: Triển khai nhiều giải pháp khuyến khích người hưởng chuyển đổi từ phương thức nhận các chế độ bằng tiền mặt sang hình thức không dùng tiền mặt. Đặc biệt, cơ quan BHXH đã phối hợp với cơ quan Công an tại địa phương xuống tận cơ sở, từng nhà người dân để tiếp cận, vận động, tuyên truyền, khuyến khích người hưởng mở, đăng ký nhận chế độ qua tài khoản cá nhân; rà soát, xác thực tình trạng của người hưởng tại nơi cư trú… Nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ người hưởng nhận chế độ BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân cao như: Hà Tĩnh (99%), Hà Nội (98%), Bắc Ninh (93%), Bình Dương (91%), TP.HCM (79%)...
Thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung số hoá, gắn việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC với việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC; đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hoá giữa các bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu với Kho quản lý dữ liệu cá nhân, tổ chức trên Cổng DVC quốc gia. Tiếp tục tổ chức rà soát, chuẩn hóa tờ khai, biểu mẫu; tái cấu trúc quy trình đối với các DVC trực tuyến do Ngành đang cung cấp, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm, đồng thời ưu tiên xây dựng, tích hợp, cung cấp các nhóm DVC trực tuyến liên thông cung cấp ở mức độ toàn trình, đáp ứng yêu cầu của người dân, DN và mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.
Tiếp tục nâng cấp Hệ thống thông tin "Một cửa điện tử" ngành BHXH, đáp ứng yêu cầu về quy trình, quy định nghiệp vụ của Ngành để đảm bảo đồng bộ trạng thái hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin "Một cửa điện tử" ngành BHXH với Cổng DVC quốc gia theo quy định. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống CSDL chuyên ngành về BHXH, BHYT, đặc biệt là CSDL quốc gia về bảo hiểm; tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới trên ứng dụng VssID; nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số cho Ngành, nhất là việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn (Big Data), áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động, nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi của đơn vị, DN và người dân.
Hà Thủy
- BHXH quận Cầu Giấy (Hà Nội): Tăng cường kiểm soát TTHC để nâng cao chất lượng giao dịch về BHXH, BHYT
- Nâng cấp cung cấp dịch vụ công BHXH Việt Nam tích hợp VNeID
- BHXH Việt Nam phê duyệt Đề án Kết nối, xác thực và chuẩn hoá CSDL quốc gia về Bảo hiểm
- Nỗ lực chuyển đổi số vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp
- Bà Rịa-Vũng Tàu: Ứng dụng AI trong tư vấn, giải đáp chính sách BHXH, BHYT