Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện sự hòa quyện ý Đảng, lòng dân

Thứ Năm, 28 /09/2023 14:22

Ngày 28/9, tại Bắc Ninh, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Bà Trương Thị Mai- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban tổ chức Trung ương dự và phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo kết quả tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, sau 20 năm tổ chức, Ngày hội đã góp phần quan trọng trong thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam qua từng thời kỳ.

 

Bà Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị

Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 đến nay, nhiều tỉnh, thành phố và các địa phương, cơ sở đã có sáng kiến lựa chọn chủ đề tổ chức Ngày hội theo từng năm. Theo số liệu tổng hợp, giai đoạn 2003-2023, trung bình cả nước hàng năm có trên 87% số khu dân cư trên địa bàn cả nước tổ chức Ngày hội (nhiều tỉnh thành phố trong nhiều năm liền có 100% khu dân cư trong toàn tỉnh/thành phố tổ chức Ngày hội), trong đó có trên 75% số khu dân cư tổ chức tốt cả phần Lễ và phần Hội; trên 62% số khu dân cư tổ chức được “Bữa cơm Đại đoàn kết”.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, sau 20 năm tổ chức, Ngày hội chính là dịp để phát huy tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, sẻ chia, giúp đỡ với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với ý nghĩa nhân văn đó, nhân dân ở cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, đồng bào các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người nghèo và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội... Những hoạt động này đã trở thành nguồn động lực to lớn, là sức mạnh nội sinh khơi dậy niềm tin của nhân dân và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết ở mỗi khu dân cư trên cả nước.

Theo kết quả tổng hợp của các địa phương, Quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội 4 cấp từ khi phát động năm 2000 đến nay đã vận động được trên 84.431 tỷ đồng, đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 1.706.839 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; trợ giúp trên 12 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ trên 3,3 triệu lượt HSSV về học tập.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, bà Trương Thị Mai khẳng định, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những biểu hiện rất sinh động kết quả của quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng của MTTQ Việt Nam từ khi ra đời đến nay, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là hoạt động thiết thực, có hiệu quả và đã hiệu triệu, thu hút được sự tham gia tự nguyện, rộng rãi, đông đảo nhất của các tầng lớp nhân dân; phát huy được quyền làm chủ của nhân dân với vai trò nòng cốt chính trị của mặt trận trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kết quả của việc tổ chức Ngày hội khẳng định sự đúng đắn của chủ trương này, hòa quyện ý Đảng, lòng dân, là động lực, là kinh nghiệm quý báu để Mặt trận tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả trong tổ chức Ngày hội thời gian tới.

Tháng 9/2023, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quyết định số 120-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để tiếp tục thể chế chủ trương của Đảng đối với MTTQ Việt Nam và mặt trận phải tiếp tục tham mưu đưa những chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ Việt Nam.

“Bối cảnh hiện nay đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương tập trung lãnh đạo chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời và rất cần sự đóng góp của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức quần chúng và nhân dân để nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả cao nhất trong nửa nhiệm kỳ còn lại của Đại hội Đảng lần thứ XIII”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Minh Đức