Người Nigeria “hi sinh” ô tô khi chi phí sinh hoạt tăng cao
Cuộc khủng hoảng kinh tế và giá xăng tăng cao ở Nigeria đã buộc ông Bolaji Emmanuel, 72 tuổi, một nhân viên y tế đã nghỉ hưu, phải từ bỏ việc đi lại bằng chiếc xe tiện ích Honda Pilot của mình.
Ông Emmanuel không phải là người duy nhất ở Nigeria- quốc gia đông dân nhất châu Phi- không đi ô tô nữa do phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao và thu nhập có phần hạn hẹp hơn trước. Chỉ tính riêng giá xăng đã tăng hơn 5 lần kể từ khi Tổng thống Nigeria Bola Tinubu nhậm chức vào tháng 5 năm ngoái. “Tôi để xe ô tô của mình ở nhà con trai tôi”- Ông Emmanuel cho biết- “Và bây giờ tôi sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi lại. Không tiện lợi chút nào nhưng đây là giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại của tôi”.
Khách hàng đang đợi đổ xăng tại một trạm xăng ở Lagos (Nigeria)
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Bola Tinubu đã chấm dứt trợ cấp nhiên liệu và cân đối tỷ giá đồng Naira, với mục tiêu cải cách để phục hồi nền kinh tế và thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Nigeria bước vào một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với lạm phát ở mức cao nhất trong 30 năm trở lại đây.
Từ một lít xăng được bán với giá khoảng 195 Naira (tương đương với 0,12 USD), sau khi ông Tinubu Bola Tinubu nhậm chức, giá đã tăng lên ít nhất 998 Naira/lít ở Lagos và 1.030 Naira/lít ở Thủ đô Abuja vào đầu tháng này. Giá xăng có thể lên tới 1.300 Naira/lít ở những nơi khác. Lạm phát đạt mức cao nhất trong gần 3 thập kỷ là 34,19% vào tháng 6/2024. Kể từ Quý III, lạm phát đã chậm lại, còn 32,7% vào tháng trước.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), sức mua giảm đang gây thêm khó khăn cho người dân khi hơn 40% dân số Nigeria đang sống trong cảnh nghèo đói. Con số này dự kiến sẽ tăng trong năm nay và năm sau trước khi ổn định vào năm 2026. Trong giai đoạn khó khăn này, một bộ phận người dân- chủ yếu là tầng lớp trung lưu, chiếm khoảng 20% dân số (số liệu năm 2020)- lựa chọn “hi sinh” ô tô cá nhân để xoay xở cuộc sống.
Trao đổi với báo giới, các đại lý ô tô ở Lagos và Thủ đô Abuja cho biết, tỷ lệ khách hàng tham khảo mua ô tô điện hoặc có nhu cầu đổi ô tô chạy xăng sang ô tô điện thời gian qua tăng nhanh chóng. “Đa phần khách hàng chia sẻ muốn đổi xe loại thích hợp để cắt giảm chi phí vận hành. Ô tô điện đang là sự chọn lựa của số đông. Với ô tô chạy xăng, lượng bán đang chững lại vì thị trường dường như không có nhiều nhu cầu nữa. Ngay cả bản thân tôi cũng đã bán ô tô hơn một năm nay và lý do chính là giá xăng”- Anh Maji Abubakar, một đại lý xe hơi ở Thủ đô Abuja cho biết.
Với số lượng ô tô ít hơn trên đường, tình trạng giao thông vốn được biết đến là “tắc đường nghiêm trọng” ở Lagos, nay trở nên thông thoáng hơn. Bên cạnh phương tiện công cộng hay taxi, một số người chuyển sang sử dụng xe đạp, bất chấp việc cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa được phù hợp với loại phương tiện di chuyển này. Ông Femi Thomas, đại diện FT Cycle Care, cho biết: “Kể từ khi giá xăng tăng, ngày càng nhiều người chọn sử dụng xe đạp để đi lại”. Còn ông Chidera Akwuba, CEO của Glovo thông tin, nền tảng giao đồ ăn này đã ghi nhận sự quan tâm ngày càng tăng đối với dịch vụ giao hàng bằng xe đạp từ phía khách hàng, đến nay, có khoảng 20% đơn hàng của Glovo được giao bằng xe đạp.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)
- Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh
- Đài Loan: Nới lỏng quy định Chương trình INTENSE nhằm thu hút sinh viên Việt Nam, Indonesia, Philippines
- Thái Lan phát tiền cho người cao tuổi dịp Tết Nguyên đán
- UNICEF cảnh báo 3 yếu tố đe dọa tương lai trẻ em
- Các quốc gia OECD có nhu cầu lớn về lao động nước ngoài