Nhật Bản: Biến rác thải nhựa thành tác phẩm nail nghệ thuật

Thứ Hai, 25 /11/2024 18:49

Để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, một thợ làm nail (móng tay) Nhật Bản đã biến rác thải nhựa thu gom trên bãi biển thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Kể từ năm 2021, Naomi Akimoto, một thợ làm nail sống ở phía Nam Tokyo (Nhật Bản), hằng tháng thường đến bãi biển gần nhà để nhặt những rác thải nhựa nhỏ xinh và nhiều màu. Cô tẩy rửa, đánh mã màu, cắt gọt… và nung nóng rác thải nhựa, tạo thành họa tiết, chi tiết trang trí nhiều hình thù, để gắn lên móng tay. Một bộ móng tay làm từ rác thải nhựa có giá khởi điểm là 12.760 yên (khoảng 2,1 triệu đồng).

“Tôi nhận ra mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường khi lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy đại dương đầy rác thải nhựa khi tham gia một sự kiện dọn dẹp bãi biển. Mặc dù tác phẩm nghệ thuật làm bằng chất liệu thân thiện với môi trường không hẳn có ý nghĩa to lớn trong việc hạn chế ô nhiễm môi trường, song tôi hi vọng rằng, sự đóng góp nhỏ bé của mình sẽ giúp mọi người không chỉ đẹp hơn về mặt hình thức mà còn chú ý hơn đến các vấn đề môi trường".

Theo thống kê của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), mỗi năm, thế giới có khoảng 20 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Một nghiên cứu của Mỹ chỉ ra, đến năm 2050, lượng rác thải nhựa toàn cầu chưa được xử lý hợp lý thông qua đốt, chôn lấp hoặc tái chế sẽ tăng lên xấp xỉ 121 triệu tấn, gấp đôi mức hiện nay. Việc này đã, đang và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường. IUCN và LHQ đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy nhanh việc xây dựng một hiệp ước kiểm soát rác thải nhựa.

Bởi nếu các biện pháp xử lý rác thải nhựa, chẳng hạn như sử dụng vật liệu tái chế được đưa vào nghĩa vụ quốc tế thì 90% chất thải được xử lý đúng cách có thể giảm được và hiệp ước mới có thể trở thành “khả năng duy nhất” để thay đổi tương lai. Ngoài ra, bằng cách yêu cầu các sản phẩm nhựa chứa ít nhất 40% hàm lượng tái chế và hạn chế sản xuất nhựa gốc dầu mỏ mới, lượng rác thải nhựa không được xử lý dự kiến sẽ giảm đáng kể xuống còn 11 triệu tấn, qua đó giảm bớt áp lực môi trường đáng kể.

Tùng Anh (Theo Today Online)