Những khoảnh khắc Dân y miền Nam cứu người trong thời chiến
Kể từ năm 1964 cho tới ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, những chiến sĩ áo trắng của Ban Dân y miền Nam đã thầm lặng hy sinh, cống hiến, vượt khó cứu sống biết bao đồng bào, chiến sĩ.
Luôn lo lắng và quan tâm tới miền Nam, năm 1959, vị Bộ trưởng Y tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là GS.TS.BS.Phạm Ngọc Thạch đã chỉ thị nhanh tìm bằng được những cán bộ miền Nam tập kết có phẩm chất nhiệt tình, trung thành, chịu khó, biết ứng phó mọi tình huống, không sợ hy sinh... Mục đích của Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch là để đào tạo nguồn nhân lực y tế, với kiến thức và chuyên môn đa khoa, để về lại miền Nam làm hạt nhân phát triển mạng lưới y tế.
Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch kỳ vọng, mạng lưới y tế ở miền Nam được thiết lập sẽ chăm sóc sức khỏe đồng bào ở vùng giải phóng, đồng thời phục vụ chiến đấu, kể cả đấu tranh chính trị ở miền Nam... Vậy là ít năm sau, vào khoảng đầu năm 1961, đoàn cán bộ y tế đầu tiên gồm 20 người được cử vào miền Nam. Lúc này, ở Trung ương Cục miền Nam đóng tại Tây Ninh (dọc biên giới Campuchia), ông Võ Chí Công đang giữ vị trí Phó Bí thư, đã chỉ đạo "cần có tổ chức y tế để triển khai, tổ chức chữa bệnh cho cán bộ vùng căn cứ, đồng bào khu giải phóng và phục vụ thương bệnh binh". Với chỉ đạo này, Ban Y tế Chính Nam được thành lập, ít lâu sau đổi thành Ban Quân Dân y Trung ương Cục.
Đến năm 1963, thêm đoàn cán bộ y tế được cử vào miền Nam, số lượng đông hơn đoàn trước và có BS.Đoàn Thúy Ba- nữ cán bộ y tế đầu tiên vượt Trường Sơn vào miền Nam. Nhờ nhân lực y tế đông dần, Ban Quân Dân y Trung ương Cục bắt đầu phát triển nhiều cơ quan.
Tới quý II/1964, thêm đoàn cán bộ y tế nữa chi viện cho miền Nam, trong đó có BS.Nguyễn Văn Thủ- nguyên Phó Giám đốc Y tế Nam bộ thời chống Pháp. Đoàn cán bộ y tế lần này còn có Đại tá, BS.Hồ Văn Huê, GS.TS.BS.Nguyễn Thiện Thành, GS.TS.BS.Trương Công Trung…
Chiến tranh ngày càng khốc liệt, công tác chăm sóc thương bệnh binh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, tới năm 1964, Trung ương Cục quyết định thành lập Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam, gọi tắt là Ban Dân Y miền Nam, do BS.Nguyễn Văn Thủ làm Trưởng ban. Kể từ đây, Dân y miền Nam bắt đầu hành trình hi sinh, cống hiến để cấp cứu chiến sĩ, đồng bào trong vùng giao tranh, chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng giải phóng. Những những khoảnh khắc Dân y miền Nam cứu người trong thời chiến thật xúc động đã được ghi lại và lưu giữ tới hôm nay.
Cuối năm 2008, CLB Truyền thống Ban Dân y miền Nam được thành lập, với cựu Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến được bầu giữ vai trò Chủ nhiệm cho tới nay. Không chỉ lưu dấu, nhắc nhở những chiến công hào hùng, sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ áo trắng trong thời chiến, CLB Truyền thống Ban Dân y miền Nam còn góp phần giáo dục các thế hệ thầy thuốc trẻ tinh thần xả thân, cống hiến của những thế hệ thầy thuốc đi trước.
Dưới đây là một số hình ảnh về cán bộ Dân y miền Nam cứu người trong thời chiến, được CLB Truyền thống Ban Dân y miền Nam thu thập và trưng bày tại Khu Di tích lịch sử quốc gia ở rừng Chàng Riệc, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh:
Bệnh nhân là chiến sĩ, bàn mổ là xuồng 3 lá, bác sĩ và y sĩ đứng dưới sình hằng giờ để mổ cấp cứu
Làm cầu người, tức nhiều người ôm cây lội sông làm cầu dã chiến để chuyển thương binh
Một bà mẹ đang dỗ thương binh (trận đánh Mậu Thân 1968) ăn nhiều cháo để chóng bình phục
Đây là trạm cấp cứu đang chăm sóc thương binh trong trận Mậu Thân 1968
Vận chuyển thuốc men chỉ với xe đạp thồ
Nụ cười của nữ dược sĩ khi được nhận đủ thuốc phục vụ đồng bào, chiến sĩ
BS.Nguyễn Văn Thủ - Trưởng Ban Dân y miền Nam, được chở đi công tác bằng xe gắn máy Honda 67
Ở Trung ương Cục, nơi bom đạn ác liệt, tình yêu vẫn nảy nở và nhiều mầm sống vẫn chào đời
Trẻ con ở vùng giải phóng được chích ngừa
BS.Trần Thị Trung Chiến đang khám bệnh. Bà làm y tá lúc còn nhỏ tới mức có biệt danh "y tá măng non". Sau này, bà trở thành nữ Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Việt Nam. Bà hiện là Chủ nhiệm CLB Truyền thống Ban Dân y miền Nam
Chụp X- Quang trong thời chiến
Thanh Giang
- Về việc sử dụng chuyên gia cao cấp tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước ở Trung ương
- Áp dụng phương pháp dự phòng bệnh đường hô hấp dưới do virus hợp bào hô hấp ở trẻ em
- Đợt phim Kỷ niệm các Ngày lễ lớn 30/4, 1/5 và 7/5 trong năm 2025
- Hệ thống y tế tư nhân tổ chức khám sức khỏe cho thương bệnh binh, cán bộ lão thành cách mạng
- Một số nhóm đối tượng thanh niên xung phong được đề xuất tăng trợ cấp hằng tháng