Phải có chính sách để cân đối quỹ BHYT và bổ sung nguồn quỹ khi giá KCB BHYT tăng

Thứ Năm, 31 /10/2024 16:44

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, các ĐBQH đề nghị cần phải có chính sách để cân đối quỹ BHYT, cũng như bổ sung nguồn quỹ khi giá KCB BHYT tăng…

Về thanh toán chi phí KCB BHYT, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định cụ thể giá KCB bao gồm giá thành toàn bộ, tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến và các nghĩa vụ tài chính khác. Vì vậy, ĐB Nhị Hà kiến nghị 2 phương án.

Trong đó, phương án 1, sửa đổi Dự thảo Luật theo hướng đồng bộ quy định về giá dịch vụ KCB theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, giá KCB BHYT sẽ tăng, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho quỹ BHYT. Vì vậy, trong Dự thảo phải có các chính sách để cân đối quỹ BHYT, cũng như bổ sung nguồn quỹ, tăng cường hiệu quả sử dụng quỹ.

Phương án 2, thực hiện thanh toán BHYT theo định suất, theo nhóm chẩn đoán. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế ban hành giá dịch vụ KCB BHYT thống nhất chung trên toàn quốc.

Bày tỏ nhất trí với nhiều nội dung trong Dự thảo Luật, đặc biệt là 4 nhóm chính sách được đề xuất, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nhận thấy, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện BHYT và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHYT.

ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu)

Đồng thời, ĐB Hoa Ry cũng tán thành với quy định liên thông cấp chuyên môn kỹ thuật khi khám bệnh, bởi việc liên thông này nhằm đảm bảo quyền hiến định của người dân được lựa chọn nơi khám bệnh phù hợp, tốt nhất cho bản thân khi có bệnh. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm quy định về liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở KCB thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật và quy định rõ thời điểm thực hiện liên thông toàn quốc để công nhận kết quả cận lâm sàng của các cơ sở KCB.

“Nếu ngành Y tế thực hiện liên thông được kết quả xét nghiệm, thì sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng cho quỹ BHYT. Quan trọng hơn là giảm gánh nặng cho việc chi trả dịch vụ y tế của toàn xã hội, trong đó có hàng triệu người dân là bệnh nhân nghèo, cận nghèo và người DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền có quyết sách kịp thời thể hiện rõ về lộ trình thực hiện liên thông kết quả cận lâm sàng trong Dự thảo Luật để mọi người dân đều có cơ hội thụ hưởng thành quả của chính sách về y tế”- ĐB Hoa Ry đề nghị.

Về thủ tục KCB BHYT (Khoản 20, Điều 1 của Dự thảo Luật), ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, Luật BHYT hiện hành và Dự thảo Luật đang cùng quy định người tham gia BHYT khi đến KCB phải xuất trình thông tin về thẻ BHYT. Đến thời điểm này, quy định này có thể phù hợp, tuy nhiên, rất có thể chỉ một thời gian rất ngắn nữa, quy định này sẽ không còn phù hợp.

Theo ĐB Nga, hiện nay chúng ta đã xây dựng CSDL liên quan CCCD, trong đó tích hợp nhiều thông tin của công dân, vì vậy, để tránh sự rườm rà và phát huy tối đa giá trị sử dụng của hệ thống CSDL đã xây dựng, chúng ta dần dần phải tiến tới việc tích hợp thông tin BHXH, BHYT nói riêng và các thông tin khác của công dân nói chung vào một CSDL. Khi đó, người dân chỉ cần có thông tin về CCCD là có thể thực hiện các TTHC, trong đó có việc KCB BHYT.

Về giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, ĐB Nga cho rằng, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở KCB công lập. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này vẫn chưa thực sự được giải quyết triệt để do tâm lý e ngại của nhiều cơ sơ KCB. “Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm của cơ sở KCB, cần nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của cơ sở KCB trong việc đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế cho người có thẻ BHYT trong phạm vi được hưởng”- ĐB Nga đề xuất.

Nguyệt Hà