Phấn đấu chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%

Thứ Ba, 08 /07/2025 19:17

Chiều ngày 8/7, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Theo dự thảo Nghị quyết, mục tiêu đề ra là trong 5 năm 2025 -2030, mỗi năm tăng cường ít nhất 1.000 bác sĩ về làm việc có thời hạn tại y tế cơ sở. Tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.

Từ năm 2026, mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ hoặc khám sàng lọc theo yêu cầu chuyên môn miễn phí ít nhất mỗi năm 1 lần; được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe theo vòng đời.

Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định tầm nhìn đến năm 2025, các chỉ số sức khỏe của người dân, chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu tương đương các nước phát triển, người dân có tuổi thọ trung bình đạt trên 80 tuổi, trong đó, số năm sống khỏe tăng lên, tầm vóc, thể lực, chiều cao trung bình của thanh niên tương đương các nước có cùng mức phát triển.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, Nghị quyết lần này phải khắc phục được tình trạng “chính sách tốt, nhưng triển khai yếu”.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trước yêu cầu của kỷ nguyên mới - một kỷ nguyên của hội nhập quốc tế sâu rộng, của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, biến đổi khí hậu và những thay đổi sâu sắc về mô hình bệnh tật - công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Đó là gánh nặng kép của bệnh tật, sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, tình trạng già hóa dân số, và những yêu cầu ngày càng cao của người dân về chất lượng dịch vụ y tế. Những “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực, năng lực y tế cơ sở, tự chủ cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế... vẫn đang là những rào cản lớn. Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải có những tư duy mới, cách làm mới và những giải pháp mang tính đột phá.

“Nghị quyết mới không thay thế các nghị quyết, chỉ thị, kết luận đã có, mà tập trung giải quyết những vấn đề mới, vấn đề lớn, những điểm nghẽn, nút thắt, xác định rõ mục tiêu, lộ trình và trách nhiệm cụ thể trong chăm sóc sức khoẻ Nhân dân để tạo đột phá trong công tác này, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đặc biệt, Nghị quyết lần này phải khắc phục được tình trạng “chính sách tốt, nhưng triển khai yếu”, phải mang tính hành động (nói cách khác đây là Nghị quyết để thực hiện Nghị quyết)”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Ông Nguyễn Hoàng Mai - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao, phát triển hệ thống y tế đồng bộ, hài hòa nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Theo đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Nguyễn Anh Trí, Nghị quyết cần tập trung xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu; phát huy đào tạo bác sĩ nội trú theo hướng đào tạo tinh hoa, chất lượng đặc biệt cao. Đồng thời, cần tạo điều kiện để y tế tư nhân tham gia vào dịch vụ công…

Liên quan đến trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đề xuất, theo thống kê, thiết bị y tế tại Việt Nam nhập khẩu 90%. Đây là điểm yếu bắt buộc chúng ta phải có phương pháp, nhất là trong giai đoạn chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo. Về thuốc chữa bệnh nhập khẩu cũng nhiều. Do đó, Nghị quyết phải giải quyết được trang thiết bị và thuốc chữa bệnh và đây là khâu đột phá.

Bà Jennifer Horton - Phó Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, mục tiêu giảm chi tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe rất quan trọng.

Đánh giá cao dự thảo Nghị quyết, bà Jennifer Horton - Phó Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã đề cập đến những sáng kiến, giải pháp xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng về y tế đối với một quốc gia, một dân tộc.

Cũng theo bà Jennifer Horton, dự thảo đã đề cập đến quan điểm lấy người dân là trung tâm trong chăm sóc sức khỏe và công tác y tế; nâng cao năng lực của đội ngũ nhân lực, nhất là với những chuyên khoa, lĩnh vực chất lượng cao; tăng cường trang thiết bị, vật tư, sản phẩm y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; đảm bảo tiếp cận y tế đối với người dân; vấn đề những bệnh không lây nhiễm (nguy cơ lớn dẫn đến các ca tử vong); công tác phòng ngừa bệnh từ góc độ y tế công cộng; tiêm chủng vaccine;...

“Cùng với việc đổi mới về mặt tư duy của cơ quan quản lý thì cần đồng thời thay đổi tư duy của người dân trong chủ động chăm sóc sức khỏe của bản thân, gia đình. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng hướng tới mục tiêu giảm chi tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe bởi tài chính y tế rất quan trọng, cần thể hiện trong các văn bản chính sách”, bà Jennifer Horton nhận định.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, các ý kiến đều thống nhất với hầu hết nội dung lớn của dự thảo Nghị quyết, chủ yếu góp ý vào các vấn đề cụ thể. Bộ Y tế cần tiếp tục tiếp thu các ý kiến, chắt lọc và hoàn thiện Nghị quyết để sớm trình Bộ Chính trị. Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung làm rõ, nổi bật hơn nội dung về chính sách dân số, chăm sóc sức khỏe con người. Cần nghiên cứu, làm rõ các đột phá về đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế và có số liệu cụ thể đi kèm; Nghị quyết phải tập trung vào các đột phá…

Nguyệt Hà