Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực giới
Những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bình đẳng giới nói chung và tăng cường quyền năng, vị thế của phụ nữ thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Ngày 15/11, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Công an và UN Women tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024. Phát biểu tại Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, việc phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, trong đó có phụ nữ và trẻ em, nhằm tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực đời sống xã hội, được coi là nhiệm vụ quan trọng của ngành LĐ-TB&XH và là một trong những ưu tiên trong thời gian tới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ Lễ phát động
Vì vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể, tổ chức quốc tế, cũng như các cơ quan truyền thông và mỗi người dân cùng cam kết, tham gia và có hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với công tác bình đẳng giới, vì sự phát triển phồn vinh, hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. “Điểm nhấn của Lễ phát động năm nay chính là sự chung tay vào cuộc của các cơ quan, đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân thông qua việc phối hợp tổ chức Lễ phát động và cam kết thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Trong những năm qua, với sự chung tay, phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và địa phương, công tác bình đẳng giới trong thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp trong các nhiệm kỳ đều tăng. Có 59% các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 74,6% chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XV đạt 30,26%- cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực.
Đến nay, khoảng cách giới trong tất cả các cấp giáo dục được thu hẹp; hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới được mở rộng và nâng cao chất lượng. Vai trò, vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế ngày càng vững chắc và nâng cao; tỷ lệ nữ làm chủ DN đạt 28,2% năm 2024. Đặc biệt, ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh; mạng lưới dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới được mở rộng; nhiều nữ sĩ quan Việt Nam tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thể hiện khả năng và tiềm năng mạnh mẽ của phụ nữ trong các nhiệm vụ quốc tế quan trọng…
Các đại biểu nhấn nút khởi động Tháng hành động
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2024, do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn là tư tưởng định kiến, phân biệt đối xử về giới vẫn còn tồn tại và là trở ngại trong việc thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới tại Việt Nam. Đặc biệt, dù tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý đã có nhiều, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của phụ nữ trong xã hội.
Bên cạnh đó, phụ nữ vẫn phải gánh vác nhiều công việc không được trả công, như nội trợ và chăm sóc gia đình. Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, vẫn tồn tại khá phổ biến. Vì vậy, việc thúc đẩy bình đẳng giới và quan tâm đến nhu cầu, lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trong lĩnh vực an sinh xã hội, vẫn cần được ưu tiên trong thời gian tới, nhằm tiến tới bình đẳng giới thực chất hơn…
Chia sẻ tại sự kiện, bà Paulines Tamasis- Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, tổ chức này đang hỗ trợ nâng cao năng lực của lực lượng Công an Việt Nam trong việc xử lý các vụ việc hiệu quả, đảm bảo quy trình điều tra thân thiện với trẻ em, thân thiện với nạn nhân, nhạy cảm về giới và đáp ứng giới. “Thông qua các hoạt động hợp tác, chúng tôi mong muốn lực lượng Công an được trang bị đầy đủ và được đào tạo để mang lại sự tự tin, an toàn cho phụ nữ và trẻ em khi trình báo và tìm kiếm trợ giúp từ các cơ quan chức năng”- bà Paulines Tamasis nói.
Năm 2024, chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới thể hiện ưu tiên và nội dung trọng tâm của Việt Nam hiện nay trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, nhằm phát huy năng lực, vai trò, tiềm năng của phụ nữ và nam giới cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Lễ phát động Tháng hành động là sự kiện mở đầu cho chiến dịch truyền thông cao điểm về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 trên phạm vi toàn quốc. Ngay sau Lễ phát động có các sự kiện bên lề được tổ chức như diễu hành, đồng diễn võ thuật của lực lượng Công an nhân dân và hàng ngàn hoạt động hưởng ứng Tháng hành động được các cơ quan, đơn vị đồng loạt tổ chức tại các địa phương trong cả nước.
Nguyệt Hà
- Công đoàn tặng sổ tiết kiệm cho trẻ có cha mẹ tử vong do bão số 3
- Thái Nguyên: Phát huy vai trò của cấp ủy Đảng trong công tác giảm nghèo
- Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm
- Năm 2025: Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 95,15% dân số
- Phấn đấu hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo và người cận nghèo