Phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng: 3 cái thiếu và 5 hạn chế lớn

Thứ Năm, 09 /05/2024 16:02

Sáng 9/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính- Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng chủ trì Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình; cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc triển khai Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt; kết quả một năm thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng và Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 30; rà soát cơ chế, chính sách đặc thù vùng; kế hoạch điều phối Hội đồng vùng năm 2024; tình hình triển khai các dự án trọng điểm của vùng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng được xây dựng với tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới, niềm tin mới để tạo ra giá trị mới; tìm ra và thúc đẩy phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng; phát hiện, chỉ rõ những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục.

Bên cạnh đó, các cơ quan cũng tập trung xây dựng và hoàn thiện một số cơ chế, chính sách, trong đó có hoàn thiện hồ sơ tổng kết, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7; đồng thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó cho phép áp dụng đối với một công trình giao thông đường bộ quan trọng của vùng. Đáng chú ý, 7/20 dự án quan trọng của vùng đã được khởi công và đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công tiếp 8 dự án theo đúng kế hoạch đề ra. Trong đó, có dự án đường bộ cao tốc Hải Phòng-Thái Bình-Nam Định-Ninh Bình giúp tạo xung lực mới, không gian phát triển mới, kết nối các miền di sản của vùng.

Thời gian qua, kinh tế-xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng đạt những kết quả nổi bật. Theo đó, tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 6,28%, (cả nước đạt 5,05%), quy mô GRDP chiếm 30,4% GDP cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ). GRDP quý I tăng 6,16%, cao hơn mức tăng GDP cả nước là 5,66%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,85%; công nghiệp-xây dựng đạt 41,4%, dịch vụ đạt 44,23%). Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh; là vùng đầu tiên và duy nhất cả nước đến nay có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với đó, thu NSNN năm 2023 chiếm 38,6% tổng thu NSNN của cả nước và cao nhất trong 6 vùng kinh tế; trong 18 địa phương điều tiết về ngân sách Trung ương, có 8 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Từ đầu năm đến ngày 7/5/2024, vùng chiếm 41,6% tổng thu cả nước. Thu hút FDI năm 2023 đạt gần 17,4 tỷ USD, đứng đầu cả nước, trong đó 5/11 địa phương luôn thuộc nhóm 10 địa phương có tổng số vốn FDI dẫn đầu cả nước. Đáng chú ý, lòng tin của người dân được tăng cường, củng cố, tinh thần, khí thế phát triển và đổi mới sáng tạo được thúc đẩy…

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quá trình phát triển của vùng còn đối mặt với một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức; kinh tế-xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò của vùng, đặc biệt là về văn hóa. “Vùng có 3 cái thiếu: Thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế đột phá và thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp”- Thủ tướng chỉ rõ.

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vùng còn có 5 hạn chế lớn, đó là: Hạn chế về tính liên kết trong hạ tầng giao thông, chuỗi sản xuất, các hành lang phát triển và liên kết giữa DN trong nước với DN FDI; hạn chế trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng; hạn chế về quy mô, năng lực quản lý, cạnh tranh của khu vực DN; hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hạn chế trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, phát triển văn hóa-xã hội chưa đáp ứng nhu cầu; chưa phát huy được giá trị văn hóa đặc sắc của vùng. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…

Nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm trong liên kết, phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ tướng yêu cầu Hội đồng Điều phối vùng tiếp tục bám sát, nghiêm túc, quyết liệt trong triển khai Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, các chỉ tiêu, nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ, Quy hoạch vùng, các kết luận của Hội đồng. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ rõ 12 chữ mang tính chất “từ khóa” trong triển khai Quy hoạch và phát triển, liên kết vùng thời gian tới, đó là: Truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện và bền vững.

Theo đó, cần thực hiện phát triển vùng theo phương châm dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; thúc đẩy 3 đột phá chiến lược; tập trung phát triển các động lực mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và liên kết vùng. Đồng thời, ứng phó, khắc phục các thách thức, hạn chế, bất cập như: Già hóa dân số; khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa, tài nguyên con người; bảo vệ môi trường; khắc phục hạn chế về nhân lực chất lượng cao.

Lãnh đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng tham dự Hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cũng như Hội đồng cần đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là tăng thu, tiết kiệm chi, thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy vốn đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Đặc biệt, không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; đẩy mạnh thông tin truyền thông để nhân dân hiểu, nắm rõ, ủng hộ, làm theo, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần “dân biết- dân bàn- dân làm- dân kiểm tra- dân giám sát- dân thụ hưởng”.

Nhấn mạnh “những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân”, Thủ tướng cho rằng, càng trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, thì đội ngũ cán bộ, đảng viên càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, dành thời gian, công sức cho công việc chung, hành động quyết liệt, đam mê, nhiệt huyết vì sự phát triển chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng, hoàn thành trong quý II/2024; tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng và hướng biển; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo (nhất là nhân lực bán dẫn), nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các dự án trọng điểm, quan trọng để thu hút hiệu quả các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

Về các hoạt động điều phối vùng, Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội và các cơ chế, chính sách khác đã được Trung ương ban hành, nghiên cứu, sớm đề xuất cấp có thẩm quyền về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và liên kết vùng; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút FDI, nhất là các nhà đầu tư công nghệ; thúc đẩy đầu tư PPP, nhất là trong phát triển các dự án hạ tầng giao thông của vùng và liên vùng; đẩy mạnh các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, ưu tiên cho giao thông; đẩy mạnh liên kết các chuỗi đô thị, chuỗi cung ứng, logistics, dịch vụ chất lượng cao.

Minh Trang