Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT
Chiều 31/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội làm việc tại hội trường để thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Đề xuất tăng mức hỗ trợ cho HSSV tham gia BHYT
Thống nhất thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để đồng bộ với Luật BHXH năm 2024 cũng như các luật khác, song theo ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông), các chính sách có liên quan đến BHYT HSSV, Luật BHYT hiện hành và Dự thảo sửa đổi có nhiều quy định liên quan đến HS. Tuy nhiên, HS thuộc đối tượng được NSNN hỗ trợ về mức đóng và trách nhiệm thuộc ngành Giáo dục; quá trình triển khai trong thực tế còn phát sinh nhiều bất cập, nên cần phải nghiên cứu, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận
Liên quan Điều 7b về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong quản lý đối tượng HS, trên cơ sở đó triển khai thu tiền BHYT đối với HS, ĐB Hằng cho rằng, do còn nhiều HS chưa tham gia BHYT, nên cần sửa đổi Điều 7b trên quy định của luật mới cũng như các quy định có liên quan. Theo đó, nhà trường có trách nhiệm cung cấp danh sách và tổ chức tuyên truyền chính sách đến HS.
Thực tế luật quy định chi tiết các vấn đề liên quan đến HS tham gia BHYT, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, việc HS đi học được một thời gian nhưng phụ huynh lại chưa nộp tiền tham gia BHYT cho con em mình, cá biệt có trường hợp nhà trường quên đóng tiền BHYT cho HS. Do đó, việc sửa đổi cần tiếp tục rà soát những tồn tại để điều chỉnh; đồng thời nghiên cứu hình thức đóng phù hợp; quan tâm ý kiến cử tri kiến nghị nâng mức đóng BHYT cho HS vì đây là đối tượng phụ thuộc, người mua là phụ huynh, HS là đối tượng thụ hưởng…
ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông)
Cũng theo ĐB Hằng, liên quan đến công tác giám định BHYT, Luật BHYT hiện hành đang giao cơ quan BHXH thực hiện việc giám định BHYT, trong đó có việc kiểm tra, đánh giá điều trị, thuốc, hóa chất cho người bệnh… Trong thực tiễn làm việc với các cơ quan liên quan, thì việc giám định có một số khó khăn, vì việc giám định của cơ quan BHXH có một số nhiệm vụ chuyên môn liên quan đến ngành Y tế; cơ quan BHXH và Y tế chưa thống nhất một số nội dung trong thanh toán chi phí KCB BHYT…
“Do đó, để quá trình thực hiện giám định BHYT tốt nhất, không làm phát sinh và đảm bảo quyền lợi cho người dân cho đến khi nghiên cứu, xem xét sửa đổi toàn diện Luật BHYT, đề nghị bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 29 Luật BHYT hiện hành; đồng thời chỉ đạo công tác thanh kiểm tra...”- ĐB Hằng đề nghị.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh và Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tham dự phiên thảo luận
Liên quan đến việc hỗ trợ tham gia BHYT, ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) khẳng định, cử tri rất vui mừng khi Chính phủ đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri về Dự thảo Luật BHYT, khi nhiều điều khoản của Dự thảo Luật đã được tiếp thu, sửa đổi theo hướng có lợi cho người dân như mở rộng đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng như các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi nay không còn nằm trong diện khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, ĐB Châu Quỳnh Dao cũng kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ tham gia BHYT tối thiểu là 50% cho nhóm HSSV. Bởi, đây là một trong những tiền đề rất quan trọng tiến tới đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Đồng thời, cần bổ sung thêm nhóm các hộ thoát nghèo vào danh sách được NSNN hỗ trợ, vì hiện tại có trên 300.000 hộ thoát nghèo, 150.000 hộ cận nghèo được hưởng chính sách nhưng còn rất khó khăn.
ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình)
Bày tỏ mong muốn Quốc hội thông qua Dự án Luật tại Kỳ họp này, để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, cũng như tháo gỡ, giải quyết được những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho rằng, việc này giúp đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT cũng như quyền lợi của các cơ sở KCB.
Đồng thời, quan tâm tới quy định về đối tượng tham gia BHYT là HSSV, ĐB Dung đề nghị Nhà nước tăng hỗ trợ mức đóng lên 50% và đóng theo cơ sở giáo dục đào tạo, chứ không để tự lựa chọn hình thức đóng; qua đó giúp 2,8% số HSSV còn lại tham gia BHYT.
Hoàn thiện quy định về thanh toán chi phí KCB BHYT
Trong khi đó, theo ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình), nhiệm vụ của cơ quan BHXH là kiểm tra, rà soát, đối chiếu các yêu cầu thanh toán chi phí KCB BHYT của cơ sở KCB BHYT, người tham gia BHYT với các quy định của pháp luật BHYT.
ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình)
Riêng giám định chuyên môn thuộc nghề y, nên đề nghị giao cho một Hội đồng có chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, ĐB cũng đề nghị quy định rõ về cơ sở KCB có quyền đề nghị ký hợp đồng và cơ quan BHXH có quyền đồng ý hoặc từ chối ký hợp đồng KCB BHYT.
Còn ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho rằng, Dự thảo Luật có bổ sung thêm quy định về thanh toán trong trường hợp điều chỉnh giữa các cơ sở KCB BHYT và chi phí dịch vụ cận lâm sàng ở Khoản 4, Khoản 5. Tuy nhiên, việc bệnh nhân KCB BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài khi BV không có thì sẽ được thanh toán như thế nào đang là vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm.
ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng)
“Trước khi trình Dự thảo Luật tại Kỳ họp này, Bộ Y tế đã kịp thời ban hành Thông tư số 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi KCB và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Thông tư này không giải quyết được vướng mắc trên, cũng như không thể giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc như hiện nay… Bên cạnh đó, điều kiện, hồ sơ, thủ tục thanh toán quy định tại Thông tư 22 cũng có nhiều vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện”- ĐB Cường nêu rõ.
Vì vậy, ĐB Cường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm một khoản quy định về nội dung thanh toán cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài khi cơ sở KCB không có thuốc và vật tư y tế tại Điều 31, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân khi đi KCB BHYT.
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh)
Về tăng cường vai trò quản lý giám định BHYT của Bộ Y tế, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, theo Khoản 6, Điều 2 của Luật BHYT, công tác giám định BHYT là hoạt động chuyên môn nhằm đánh giá sự hợp lý của dịch vụ y tế do tổ chức BHYT tiến hành. Tuy nhiên, thiếu các quy định cụ thể về quy trình, tiêu chí giám định, nên đã dẫn đến bất cập, gây áp lực cho các BV và khiến tình trạng trễ hạn thanh quyết toán chi phí xảy ra phổ biến (năm 2023 có tới 30% cơ sở KCB gặp tình trạng chậm thanh toán vì thiếu rõ ràng trong quy định về giám định).
Để giải quyết vấn đề này, ĐB Bình đề xuất bổ sung quy định trong Luật BHYT, yêu cầu Bộ Y tế ban hành các tiêu chí và hướng dẫn chi tiết về giám định y tế, giúp thống nhất quy trình đánh giá và phối hợp hiệu quả giữa cơ quan BHXH với ngành Y tế. Quy định này không chỉ đảm bảo tính minh bạch, nhất quán, mà còn tránh gây chậm trễ trong việc thanh toán chi phí cho cơ sở KCB và người bệnh.
Về cung ứng thuốc và vật tư y tế cho người bệnh, ĐB Bình đề xuất bổ sung vào Điều 43 Luật BHYT quy định: “Cơ sở KCB phải chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc và vật tư y tế cần thiết cho người bệnh BHYT”. Đồng thời, nếu người bệnh phải mua ngoài, cơ sở KCB có trách nhiệm hoàn trả chi phí trước khi bệnh nhân xuất viện. Quy định này giúp người bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi ngay tại cơ sở KCB, giảm TTHC không cần thiết và rút ngắn thời gian xử lý chi phí.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định)
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cũng đề xuất ngành Y tế thành lập Hội đồng giám định chuyên môn là rất lý tưởng, song ngành Y tế không thể thực hiện công tác giám định được, do khối lượng công việc rất nhiều và không đủ bác sĩ chuyên môn để thành lập hội đồng. Đồng thời, ĐB đề nghị bổ sung vào Khoản 6 Điều 2 về việc Bộ Y tế ban hành quy định tiêu chí, nội dung đánh giá sự hợp lý để làm cơ sở giám định thanh toán chi phí KCB BHYT.
Theo ĐB Hiếu, thực tế chứng minh và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cơ quan BHXH chỉ thực hiện giám định tài chính trên cơ sở quy định về chuyên môn của ngành Y tế, còn ngành Y tế phải chịu trách nhiệm về chuyên môn và chất lượng KCB- điều này đã được quy định rất rõ trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Hoạt động giám định nếu thay đổi, ngoài việc giảm những tranh cãi không đáng có giữa cơ quan BHXH và y tế, điều quan trọng hơn là giúp nâng cao chất lượng, hạn chế lạm dụng điều trị có xu hướng ngày càng tăng hiện nay. “Việc sửa luật theo hướng tăng quyền lợi cũng phải tính đến nguy cơ vỡ quỹ BHYT, vì vậy cần đưa vào luật này NSNN có trách nhiệm bổ sung để duy trì hoạt động”- ĐB Hiếu lưu ý.
Vũ Thu
- Khai mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phân cấp, phân quyền đi đôi với việc phân bổ nguồn lực
- Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm rõ một số vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực y tế
- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
- Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn của ĐBQH liên quan đến vấn đề y tế