Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng

Thứ Hai, 11 /11/2024 08:55

Sáng 11/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trên cơ sở tổng hợp những vấn đề ĐBQH, cử tri và nhân dân quan tâm, tại Kỳ họp này có 3 nhóm vấn đề được Quốc hội chất vấn thuộc trách nhiệm của 3 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Thống đốc NHNN, Bộ trưởng Bộ TT-TT và Bộ trưởng Bộ Y tế. Cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH vào cuối phiên chất vấn.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của ĐBQH

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội và phạm vi nội dung chất vấn của Kỳ họp này để đánh giá khách quan, xem xét kỹ những khó khăn, thách thức, tình hình trong nước và bối cảnh khu vực và thế giới; phân tích, đánh giá đúng mức những mặt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ sát thực, khả thi, hiệu quả. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, thực hiện Nội quy Kỳ họp Quốc hội, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 tiếp tục tiến hành theo cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”, vì vậy mỗi ĐBQH chỉ nên tập trung vào một hoặc hai vấn đề tâm đắc nhất...

Ngay sau phát biểu khai mạc, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất liên quan lĩnh vực ngân hàng. Báo cáo một số vấn đề liên quan tới nội dung chất vấn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trân trọng cảm ơn Quốc hội và cử tri cả nước đã quan tâm đến hoạt động ngân hàng trong thời gian vừa qua, đã lựa chọn chất vấn Thống đốc tại Kỳ họp thứ 8. "Đây là dịp để NHNN được lắng nghe ý kiến của các ĐBQH, đại diện cho tiếng nói cử tri cả nước đối với những vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng, từ đó giúp NHNN hoàn thiện và nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới"- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, kể từ Kỳ họp thứ 3 đến nay, kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường. Đại dịch COVID-19 được kiểm soát, nhưng hệ lụy và tác động vẫn còn dai dẳng. Căng thẳng chính trị, thương mại gia tăng, lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu. Chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh và mạnh ở nhiều nước khiến mặt bằng lãi suất thế giới tăng cao. Trước bối cảnh khó khăn trên, NHNN luôn kiên định mục tiêu, bình tĩnh, chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ quốc tế và trong nước để điều hành các công cụ và giải pháp chính sách với liều lượng, thời điểm hợp lý. Hoạt động ngân hàng đã có đóng góp tích cực đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối...

Trả lời chất vấn của các ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng), Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình)… về các chính sách hỗ trợ khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và người nghèo bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Việt Nam là nước chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu. Do đó, vừa qua, tình hình bão lũ thiên tai đặt ra yêu cầu cho các cơ quan, bộ ngành là phải tập trung rà soát những giải pháp của ngành để ứng phó hiệu quả. Riêng ngành Ngân hàng có nhiều giải pháp với vấn đề này, đặc biệt là quan tâm triển khai tín dụng xanh. Đồng thời, NHNN đã ban hành các kế hoạch để triển khai và đạt được các kết quả cụ thể.

Cụ thể, ngay sau cơn bão số 3, lãnh đạo NHNN đã trực tiếp đi khảo sát ở TP.Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh- là 2 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của bão, đồng thời xác định dư nợ của 2 địa phương này chịu tác động của bão số 3 là khoảng 12.000 tỷ đồng. Sau đó, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung quan tâm, rà soát các khách hàng vay vốn tại các tổ chức mình để xác định, đánh giá mức độ thiệt hại của các khoản dư nợ khách hàng và người dân đã vay tại các ngân hàng. “Chúng tôi đã tổng hợp và thống kê trên phạm vi 26 tỉnh, thành phố. Số dư nợ tín dụng của các khách hàng và cá nhân bị thiệt hại vào khoảng 190.000 tỷ đồng”- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trên cơ sở đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định hiện hành, bởi trước đó- ngay sau đại dịch COVID-19 cũng như trong chương trình phục hồi kinh tế, NHNN đã ban hành 2 thông tư cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Như vậy, các khách hàng này vẫn có thể tiếp cận được vốn tín dụng.

Riêng đối với khách hàng vay vốn chịu tác động của cơn bão, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đang trong quá trình hoàn thiện bước cuối cùng để ban hành một thông tư mới nhằm cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản vay của các DN và người dân. Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải xem xét miễn giảm lãi cho DN và người dân chịu tác động bởi cơn bão; đồng thời tích cực tham gia công tác an sinh xã hội với tổng số tiền khoảng 40 tỷ đồng. Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của NHNN, đã có 35 tổ chức tín dụng công bố các gói tín dụng, với tổng giá trị lên tới 405.000 tỷ đồng, để tiếp tục cho vay mới đối với DN và người dân chịu tác động.

Vũ Thu