Quyết liệt triển khai công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT
Ngày 9/10, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Đôn đốc, hướng dẫn triển khai giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp các tháng cuối năm 2024. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Nỗ lực duy trì đà phát triển
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2024, trên cả nước có trên 19 triệu người tham gia BHXH, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số tham gia BHXH bắt buộc là 17,03 triệu người, tăng 7,25% so với cùng kỳ năm 2023; số tham gia BHXH tự nguyện là trên 1,99 triệu người, tăng 39,35% so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia BH thất nghiệp đạt 15,31 triệu người, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia BHYT đạt 93,45 triệu người, tăng 2,18% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của toàn Ngành thực hiện đến hết tháng 9/2024 tăng 13,23% so với cùng kỳ năm 2023.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Ngoài các giải pháp mang tính thường xuyên, thời gian gần đây, nhiều giải pháp tăng cường, nhân rộng bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT đã được BHXH Việt Nam chỉ đạo quyết liệt thực hiện trong các tháng gần đây. Trong đó, đã tổ chức Đoàn Công tác làm việc trực tiếp, khảo sát, nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ tại 28 địa phương, đồng thời chỉ đạo các giải pháp khắc phục ngay những hạn chế đang còn tồn tại.
Tại Hội nghị, Lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố đã báo cáo cụ thể tình hình thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ, phân tích rõ hiệu quả thực tế của các biện pháp đang được triển khai như: rà soát dữ liệu thuế, tổ chức hội nghị điểm của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT làm việc trực tiếp với đơn vị SDLĐ, ký quy chế phối hợp 3 bên (Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã, cơ quan BHXH, Tổ chức dịch vụ thu)...
Tại Hà Nội, bà Đàm Thị Hòa- Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết, các chỉ số thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn Thủ đô đều tăng khá lạc quan, tuy nhiên số còn phải thực hiện đến hết năm 2024 còn rất lớn. Hiện lãnh đạo BHXH TP đã chỉ đạo tiếp tục rà soát dữ liệu thuế và yêu cầu phải xong sớm để có cơ sở triển khai các giải pháp đôn đốc với đơn vị SDLĐ. BHXH các quận, huyện cũng đã tham mưu ban hành kế hoạch làm việc của Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT với các đơn vị SDLĐ trên địa bàn; đã thực hiện rà soát trước để đảm bảo quá trình đối soát tại hội nghị được nhanh chóng. Đồng thời, BHXH các quận, huyện cũng đã tổ chức ký kết hợp đồng 3 bên tại 30 quận, huyện.
“Các giải pháp tăng cường thu, phát triển người tham gia đang được BHXH TP.Hà Nội tổ chức triển khai quyết liệt, thường xuyên rút kinh nghiệm, nhìn nhận rõ các hạn chế để kịp thời chỉ đạo BHXH các quận, huyện khắc phục, triển khai tốt hơn trong các tháng cuối năm”, bà Hòa nhấn mạnh.
Tại Đồng Nai, ông Phạm Long Sơn- Phó Giám đốc BHXH tỉnh thông tin các chỉ số thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn đều tăng so với cùng kỳ. Các giải pháp cũng đang được BHXH tỉnh tích cực triển khai. Hiện đã tham mưu Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT xây dựng và thực hiện kế hoạch làm việc, đối thoại trực tiếp với đơn vị SDLĐ.
“Các Hội nghị đã được tổ chức khá hiệu quả, tuy nhiên, việc tổ chức các hội nghị tiếp theo cũng gặp nhiều khó khăn do khó thu xếp với lịch làm việc của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo”, ông Sơn nói.
Tại Gia Lai, việc tổ chức hội nghị của Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT với đơn vị SDLĐ cũng đã thu được kết quả nhất định. BHXH tỉnh đã tham mưu tổ chức, mời 127 DN tương ứng với 3.786 lao động được rà soát trước. Kết quả, đã có 100 DN tham dự, ký biên bản xác nhận 944 lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT.
“Sau Hội nghị, cơ quan BHXH tiếp tục đôn đốc DN đóng BHXH theo đúng thông tin đã được ký tại biên bản xác nhận. Bài học kinh nghiệm rút ra là phải chuẩn bị thật tốt việc rà soát dữ liệu từ trước khi tổ chức hội nghị đối thoại; đồng thời, cử cán bộ chuyên quản theo sát DN để tiếp tục đôn đốc thực hiện sau hội nghị”, Ông Trần Ngọc Tuấn- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai cho biết.
Tại Quảng Ninh, mặc dù bị ảnh hưởng bão lũ, tuy nhiên, số tham gia BHXH, BHYT tại địa phương này vẫn tăng khá tích cực; dù vậy, số còn phải thực hiện trong các tháng cuối năm rất lớn. BHXH tỉnh cũng đang quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, xác định rõ nhóm đối tượng tiềm năng để tập trung đôn đốc phát triển, thúc đẩy việc ký kết và phát huy hiệu quả phối hợp 3 bên ngay tại cơ sở.
“Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên việc tổ chức các hội nghị đối thoại với đơn vị SDLĐ tại Quảng Ninh bị chậm lại. Dù vậy, từ cuối tháng 9, cơ quan BHXH trên địa bàn đã tích cực triển khai, qua đó bước đầu thu được một số kết quả nhất định; tỷ lệ DN tham dự hội nghị đối thoại tăng lên đáng kể so với trước ”, ông Nguyễn Huy Thông- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ninh cho thông tin.
Tiếp tục tối ưu hóa các giải pháp
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu của lãnh đạo BHXH các địa phương, ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ đề nghị tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn các quy trình nghiệp vụ thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong các tháng cuối năm, nhất là việc rà soát dữ liệu thuế, tổ chức hội nghị điểm với đơn vị SDLĐ chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ. Dữ liệu đã được Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ phối hợp với Trung tâm CNTT rà soát tương đối kỹ, đã lọc ra các nhóm trùng lặp, gửi về BHXH 63 tỉnh, thành phố. BHXH các địa phương phải khẩn trương tiếp tục rà soát, đối chiếu dữ liệu, xác minh thực tế để triển khai các biện pháp thu, tăng số người tham gia.
Ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ phát biểu
“Chỉ cần qua các bước cơ bản, trong khoảng 10 ngày là cơ quan BHXH có thể xác minh được tương đối về tình trạng hoạt động của đơn vị SDLĐ cần phải rà soát. Trên cơ sở đó, tham mưu Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT của địa phương tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với các đơn vị này, lập biên bản xác nhận về đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, triển khai các bước nghiệp vụ đôn đốc thu…”, ông Hào nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hào, nội dung, chất lượng các bài thuyết trình, phát biểu trong các hội nghị đối thoại với đơn vị SDLĐ cần phải được cải thiện hơn nữa; tập trung vào các nội dung trọng tâm cần truyền tải, tránh nói chung chung dẫn đến lãng phí thời gian.
Về mục tiêu giảm số chậm đóng trong các tháng cuối năm, ông Bùi Quang Huy- Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam nhấn mạnh, số đơn vị SDLD chậm đóng có xu hướng tăng, do đó đặt ra yêu cầu phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác thanh tra đột xuất.
“Khối lượng công việc thanh tra trong các tháng cuối năm rất lớn, đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố phát huy triệt để nguồn nhân lực cán bộ thanh tra hiện có của đơn vị, bao gồm cả cán bộ ở BHXH một số cấp huyện”, ông Huy nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chỉ đạo, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp, tập trung các nguồn lực cho công tác thu, giảm số chậm đóng, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong các tháng cuối năm. Các giải pháp như rà soát dữ liệu thuế, tổ chức hội nghị đối thoại của Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT với các đơn vị SDLĐ, ký kết phối hợp 3 bên… phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
“Chúng ta huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện BHXH, BHYT nhưng cơ quan BHXH các cấp phải nêu cao tinh thần chủ động, thực sự phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu cũng như triển khai các nội dung công việc cụ thể”, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh chỉ đạo.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn nữa các quy trình nghiệp vụ thu, giảm số chậm đóng, phát triển người tham gia. Yêu cầu Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ cử cán bộ chuyên trách để theo sát quá trình thực hiện ở BHXH các địa phương, nhất là với quy trình tổ chức hội nghị điểm đối thoại giữa Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT địa phương với các đơn vị SDLĐ. Đồng thời, tăng cường tập huấn, hướng dẫn theo phương thức trực tuyến với các khâu/quy trình nghiệp vụ đang còn thực hiện chưa tốt; chọn lọc đơn vị cần tập huấn, hướng dẫn trực tiếp.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện thật tốt phong trào thi đua “nước rút”, hướng tới phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu thu, giảm số chậm đóng, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong các tháng cuối năm.
“Để phát huy một cách thực chất hiệu quả phong trào thi đua, cần phải xác định rõ các tiêu chí thi đua, đảm bảo tạo nguồn lực thúc đẩy mạnh mẽ công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong các tháng cuối năm”, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh.
Minh Đức
- Hợp tác sâu rộng hướng tới hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bền vững
- Đầu tư cho con người và an sinh xã hội là nhiệm vụ then chốt trong việc xây dựng xã hội hài hòa, bền vững
- HSSV tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm được NSNN hỗ trợ
- Lấy cảm hứng từ sự ưu việt của Đề án 06 để triển khai quyết liệt hơn nữa công tác chuyển đổi số
- Khai mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội