Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét phòng sởi cho trẻ em
Nhằm thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế ban hành Công văn 7227/BYT-DP. Theo đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo một số nội dung quan trọng.
Tính đến tháng 11/2024, đã có hơn 961.793 trẻ em được tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi trong Chiến dịch Tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi năm 2024 tại 31 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch chưa đảm bảo tiến độ. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh.
Chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong; Tăng cường tổ chức tập huấn, năng cao năng lực giám sát, điều trị tại các tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra các ổ dịch sởi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận, chia sẻ, cập nhật tình hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch sởi.
Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc-xin phòng bệnh sởi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là các vùng có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, dân tộc ít người… và đẩy nhanh tiến độ triển khai Chiến dịch Tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch Sởi năm 2024 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2495/QĐ-BYT.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch sởi; theo dõi hàng ngày tình hình sức khỏe toàn bộ học sinh, giáo viên, cán bộ, công nhân viên, phát hiện kịp thời những trường hợp mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế...
Tăng cường chỉ đạo cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống. Xây dựng các thông điệp, tài liệu truyền thông, các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, lợi ích của việc sử dụng vắc-xin đúng lịch, đủ liều theo ngôn ngữ phù hợp tại địa phương. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ các nguồn lực cho hệ thống y tế đảm bảo về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị… phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch trên địa bàn theo quy định. Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp bệnh, ổ dịch trên Hệ thống Quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Ngoài ra, để đề phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân: Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch; Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ; Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường; Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Tùng Anh
- Bộ Y tế: Đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc trong các dịp Tết sắp tới
- BHYT: Chỗ dựa vững chắc cho bệnh nhân ung thư vượt qua nghịch cảnh
- Đổi mới vì sức khỏe cộng đồng và xây dựng nông thôn mới thông minh
- Lan tỏa chính sách an sinh xã hội đến hội viên phụ nữ tại tỉnh Sơn La
- Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo khám, cấp cứu trong mưa lũ, thiên tai