Singapore: Người lao động trẻ có thu nhập cao vẫn ưa chuộng “mua trước, trả sau”

Thứ Hai, 22 /04/2024 15:16

Theo cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS) và CNA, được thực hiện vào năm 2022 và kết quả đầy đủ công bố vào ngày 15/4/2024, 9/10 NLĐ trẻ Singapore tham gia khảo sát cho biết, cảm nhận được khó khăn khi mặt bằng giá cả càng tăng; 2/3 số người được hỏi phải sử dụng hình thức “mua trước, trả sau” để giảm bớt áp lực chi phí sinh hoạt.

Mặc dù có thu nhập khoảng 10.000 SGD/tháng, anh Leon Tan-Leon Trần, 32 tuổi, làm việc một công ty quản lý quỹ, vẫn chọn thanh toán hóa đơn bằng hình thức “mua trước, trả sau”. Anh không đơn độc trong việc cố gắng giảm bớt áp lực chi phí sinh hoạt bằng cách trì hoãn thanh toán một số khoản mua sắm của mình. Một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS) và CNA được thực hiện vào năm 2022 và kết quả đầy đủ công bố vào ngày 15/4/2024 cho thấy, 7/10 NLĐ ưa chuộng hình thức “mua trước, trả sau”; đặc biệt, NLĐ trẻ càng có thu nhập cao, càng sử dụng hình thức này.

Với đối tượng là NLĐ Singapore từ 21 đến 39 tuổi, cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu thói quen và hành vi tài chính; nợ nần; ý thức tiết kiệm; hình thức đối phó với chi phí sinh hoạt; lập kế hoạch cho tương lai… của họ. Theo đó, 2/3 số người được hỏi (65,4%) đã và đang sử dụng hình thức “mua trước, trả sau”, trong đó, ưu tiên các khoản trả góp không tính lãi suất trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Hơn 8/10 người có thu nhập từ 6.000 SGD- 7.000 SGD/tháng, đang sử dụng ít nhất một chương trình "mua trước, trả sau".

Phần lớn người được hỏi (88,8%) cho biết, họ chi tiêu trong mức thu nhập hằng tháng. Khoảng 42,3% số người độ 30 đến 34 tuổi cảm thấy, họ chắc chắn hoặc có thể chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được; trong khi đó, người từ 21 đến 24 tuổi được hỏi cho biết, họ chi tiêu một tỷ lệ thu nhập nhỏ hơn so với các nhóm khác, do "tuổi trẻ nên ít nghĩa vụ tài chính hơn", "lối sống của mỗi người là khác nhau" và “phụ huynh trả một số chi phí thay cho họ".

Hơn 9/10 số người tham gia khảo sát (92,6%) tiết lộ, đời sống của họ bị ảnh hưởng bởi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Trong đó, người từ 21 đến 24 tuổi (70,7%) bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các nhóm tuổi khác. Nguyên nhân do họ vẫn còn đi học, công việc chủ yếu là bán thời gian (part-time) nên thu nhập bấp bênh. “Tôi kiếm được trung bình khoảng 1.500 đến 2.000 SGD/tháng nhờ 2 công việc bán thời gian. Trước đây, tôi từng chi khoảng 200- 300 SGD/tháng để thuê ô tô và gọi đồ ăn giao đến nhà nhưng bây giờ phải cắt giảm 2 khoản này khi các chi phí sinh hoạt khác tăng lên. Thay vào đó, tôi đi siêu thị săn đồ giảm giá, nấu ăn và dùng bữa ở nhà thường xuyên hơn”- Cô Laura Lee-Laura Lý, 24 tuổi, sinh viên ngành Quản lý kinh doanh thuộc Học viện Quản lý Singapore cho biết.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS) và CNA còn chỉ ra, người tham gia khảo sát từ 25 đến 39 tuổi chi tiêu nhiều nhất cho thực phẩm, quần áo, giày dép và các hóa đơn tiện ích, trong khi những người từ 21 đến 24 tuổi chi tiêu nhiều hơn cho sở thích. Anh Asyraf Ahmad, 23 tuổi, sinh viên ngành Ngôn ngữ và Tâm lý học thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, nói với PV rằng, mặc dù cắt giảm nhiều khoản để cân đối chi phí sinh hoạt nhưng thi thoảng anh vẫn xuống tiền để đi hát karaoke hay thuê xe ô tô đi đây đó vì sở thích xê dịch.

Về kế hoạch tiết kiệm hưu trí, khoảng 70,3% số người được hỏi cho biết đã có kế hoạch tiết kiệm hưu trí hoặc đã "ít nhiều” khởi động vấn đề này: 65,1%, người từ 30 đến 34 tuổi có kế hoạch tiết kiệm hưu trí; con số này ở người có độ tuổi 25 đến 29 và 35 đến 39 là 60% và người từ 21 đến 24 tuổi là 40,7%. Đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS) nhận định: “Kết quả khảo sát chỉ ra rằng giới trẻ không thờ ơ với ngân sách của mình. Họ lưu ý và quan tâm đến thu nhập; những yếu tố tác đến việc có thể và không thể chi trả chi phí sinh hoạt và đưa ra quyết định tài chính phù hợp. Điều này làm sáng tỏ quan niệm sai lầm của chúng ta rằng những người trẻ tuổi “bốc đồng” và “vô tâm”, không có bất kỳ kế hoạch nào cho tương lai của mình". 

Tùng Anh (Theo CNA)