Sức bật miền Đông

Thứ Hai, 03 /02/2020 19:36

Các địa phương khu vực Đông Nam bộ tập trung số lượng lao động rất lớn, nhất là lao động ngoại tỉnh. Vì vậy, thời gian qua, BHXH các địa phương khu vực này đã chủ động cải cách TTHC và đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ, tạo nên sức bật trong các hoạt động.

Lan tỏa ứng dụng

TP.HCM là địa phương có tới 2,5 triệu người tham gia BHXH và 7,5 triệu người tham gia BHYT- đông nhất Đông Nam bộ cũng như cả khu vực phía Nam. Theo ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM, do nhân sự có hạn nên việc ứng dụng CNTT được coi là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động của đơn vị. Vì vậy, bên cạnh đẩy mạnh cải cách TTHC, BHXH Thành phố còn chú trọng ứng dụng CNTT nhằm chia sẻ kết nối dữ liệu trong các hoạt động, nhất là để thực hiện giao dịch điện tử với các cơ quan, đơn vị và người dân.

Huỳnh Viết Sơn- BHXH quận Phú Nhuận là gương điển hình trẻ giỏi toàn quốc

Cụ thể, đến nay BHXH TP.HCM đã thực hiện giao dịch điện tử trong công tác quản lý và phát triển đối tượng; giải quyết chế độ BHXH, BHYT; thủ tục tham gia BHXH, BHYT và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Cùng với đó là thực hiện giao dịch trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ về thủ tục cấp lại thẻ BHYT; chi trả các chế độ cho người hưởng qua thẻ ATM; cung cấp thông tin đóng BHXH, BHYT cho DN trên Trang thông tin điện tử...

Việc ứng dụng CNTT đã lan tỏa mạnh mẽ từ BHXH Thành phố đến BHXH cấp quận, huyện. Đơn cử, ở BHXH quận Phú Nhuận, anh Huỳnh Viết Sơn- Tổ trưởng Tổ Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả TTHC được xem là “cây sáng kiến” của đơn vị, khi hàng loạt sáng kiến, phần mềm của anh được áp dụng vào thực tế, rút ngắn rất nhiều thời gian cho NLĐ và đơn vị SDLĐ khi tham gia giao dịch cũng như tạo thuận lợi cho chính cơ quan BHXH. Anh Sơn là tác giả của ứng dụng công cụ tính toán, phân tích, so sánh giữa chế độ trợ cấp BHXH một lần, chế độ hưu trí, đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ hưu trí. Nếu trước đây tính toán thủ công phải mất 30 phút, thì nay với việc sử dụng công cụ này chỉ mất 1-5 phút xử lý…

Hàng loạt sáng kiến trong quá trình thực hiện công việc đã giúp anh Huỳnh Viết Sơn góp mặt trong 50 gương điển hình trong cả nước vinh dự được Trung ương Đoàn tuyên dương, trao giải “CBCCVC trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ 6 năm 2019. Cụ thể, vào năm 2014, khi mới bước chân vào ngành BHXH, anh Huỳnh Viết Sơn đã viết phần mềm quản lý văn bản. Năm 2015, cho ra đời phần mềm “Viết phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ”- phần mềm đạt giải Khuyến khích cuộc thi “Sáng kiến cải cách TTHC trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” do BHXH TP.HCM tổ chức. Năm 2016, viết phần mềm “Tra cứu thông tin BHYT hộ gia đình”. Năm 2017, viết phần mềm để giải quyết hồ sơ xác nhận đang tham gia BHXH; xây dựng thành công file excel tự động tính toán sơ bộ chế độ tử tuất cho người hưởng. Năm 2018, xây dựng thành công website tra cứu tình trạng, số lượng hồ sơ khi đơn vị nộp qua Bưu điện. Đến năm 2019, xây dựng thành công công cụ tính toán, phân tích, so sánh giữa chế độ trợ cấp BHXH một lần, chế độ hưu trí, đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ hưu trí...

“4 xin- 4 luôn”

Tại khu vực Đông Nam bộ, Đồng Nai cũng là một trong những địa phương có đông lao động tham gia BHXH với hơn 830.000 người, việc tăng giảm lao động tham gia BHXH cũng rất lớn, nên phát sinh khối lượng công việc rất nhiều. Ông Phạm Minh Thành- Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết, để phục vụ tốt người dân, NLĐ thì công tác CCHC, mà trọng tâm là cải cách TTHC và ứng dụng CNTT được BHXH tỉnh xác định là bước đột phá.

Cán bộ Phòng CNTT BHXH Đồng Nai kiểm tra hệ thống máy chủ

Một trong những nét ấn tượng khi khách hàng đến giao dịch tại BHXH tỉnh Đồng Nai là phong trào “4 xin- 4 luôn” đã được triển khai rộng khắp, được đưa vào nội quy cơ quan từ BHXH tỉnh đến BHXH cấp huyện. Cụ thể, “4 xin” gồm: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; “4 luôn” gồm: Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Để phong trào “4 xin- 4 luôn” đi vào thực chất, BHXH tỉnh Đồng Nai đã áp dụng phương thức đánh giá qua khảo sát mức độ hài lòng của người dân.

Theo ông Phạm Minh Thành, việc ứng dụng CNTT và áp dụng nhiều giải pháp cải cách TTHC, xem mức độ hài lòng của người dân làm “gốc”của mọi vấn đề… chính là thước đo chất lượng hoạt động của cơ quan BHXH. Thông qua việc khảo sát đo lường sự hài lòng của cá nhân và tổ chức bằng hình thức trực tuyến trên Trang thông tin điện tử, từ tháng 10/2017 đến nay, BHXH tỉnh đã tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp của NLĐ và DN, từ đó tiếp tục đổi mới, cải tiến, hoàn thiện một cách kịp thời. Việc ứng dụng giúp lãnh đạo đơn vị biết được người dân có hài lòng hay không; không hài lòng ở khâu nào, đơn vị nào... để từ đó đề ra biện pháp chấn chỉnh, phục vụ người dân được tốt hơn.

Đến nay, phần lớn các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của BHXH tỉnh Đồng Nai đều được thực hiện trên phần mềm, giúp cho công tác quản lý, thống kê, báo cáo được chính xác và kịp thời. Thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH; triển khai phần mềm giám định BHYT đảm bảo quyền lợi cho nhân dân và quản lý quỹ BHYT đạt hiệu quả; 100% đơn vị SDLĐ và cơ sở KCB BHYT đều thực hiện giao dịch điện tử. Theo đánh giá của lãnh đạo BHXH tỉnh Đồng Nai, đóng góp không nhỏ vào những thành công này là sự góp sức của đội ngũ những người làm công tác CNTT “thầm lặng” phía sau. Chẳng hạn, ứng dụng khảo sát mức độ hài lòng của người dân do Văn phòng BHXH tỉnh theo dõi, song viết phần mềm và quản lý các ứng dụng là các chuyên viên CNTT của BHXH tỉnh.

Chia sẻ thêm về việc ứng dụng CNTT, ông Nguyễn Văn Duy- Trưởng phòng CNTT (BHXH tỉnh Đồng Nai) cho biết, bên cạnh những phần mềm, tiện ích do Ngành trang bị, BHXH tỉnh đã thiết kế một số tiện ích, ứng dụng riêng để phục vụ tốt nhất công việc. Đơn cử, gần 3 năm nay, tiện ích theo dõi việc trả sổ BHXH do Phòng CNTT viết đã hỗ trợ NLĐ rất nhiều trong việc nhận sổ BHXH sau khi nghỉ việc. Trước đây, khi NLĐ nghỉ việc, trong vòng một năm, đơn vị SDLĐ phải thực hiện thủ tục trả sổ BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên, vì một số lý do mà có nhiều NLĐ không được nhận sổ BHXH sau khi nghỉ việc dẫn đến thiệt thòi quyền lợi. “Trước thực tế này, BHXH tỉnh Đồng Nai đã thực hiện tiện ích theo dõi việc trả sổ BHXH tại DN sau khi NLĐ nghỉ việc. Kết quả, nhiều DN đã nộp lại những sổ BHXH mà NLĐ chưa nhận cho cơ quan BHXH để sau đó NLĐ có thể đến nhận trực tiếp tại cơ quan BHXH. Qua tương tác trên phần mềm, đã có hơn 37.000 sổ BHXH được cơ quan BHXH giao lại cho NLĐ theo cách thức trên”- ông Duy cho hay.

Trần Đức