"Sức khỏe của tôi, quyền của tôi"

Thứ Hai, 08 /04/2024 17:58

Đó là chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay (7/4/2024), mang ý nghĩa bảo vệ quyền của mọi người được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nguồn nước và không khí trong sạch.

Trong bài phát biểu nhân dịp này, TS.Saia Ma'u Piukala- Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương chỉ rõ, sức khỏe tốt nên là quyền cơ bản cho tất cả mọi người. Điều này được ví như một lời nhắc nhở về thực trạng cần khắc phục, là yêu cầu đặt ra đối với toàn thế giới trong nỗ lực tiến tới một xã hội khỏe mạnh và hạnh phúc.

Với chủ đề "Sức khỏe của tôi, quyền của tôi", ngày Sức khỏe thế giới năm nay đề cao quyền của mỗi người được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đi kèm với các quyền như được giáo dục và thông tin, được hưởng bầu không khí trong sạch, có nguồn nước an toàn, dinh dưỡng đầy đủ, nơi ăn chốn ở phù hợp, được đảm bảo việc làm và các điều kiện môi trường tối thiểu cũng như không phải chịu nạn phân biệt đối xử.

Quyền về sức khỏe và các quyền con người khác liên quan đến sức khỏe là những cam kết ràng buộc về mặt pháp lý được ghi trong các văn kiện nhân quyền quốc tế. Hiến chương của WHO cũng công nhận quyền về sức khỏe. Theo đó, mỗi người đều có quyền đạt được tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe thể chất và tinh thần, không tách rời khỏi các quyền con người khác. 

Tuy nhiên, thế giới vẫn chứng kiến quyền về sức khỏe của hàng triệu người đang ngày càng suy giảm khi nguy cơ dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, thảm họa và xung đột làm khiến tỷ lệ tử vong, sự tổn thương thể chất, đói kém và áp lực tinh thần tăng cao. Bên cạnh đó, môi trường và không khí ô nhiễm khiến quyền được hưởng không khí trong sạch ngày càng thụt lùi. Theo thống kê chính thức, trên toàn cầu, cứ mỗi 5 giây lại có 1 người tử vong vì ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời.

WHO cho biết, đến nay ít nhất 140 quốc gia trên thế giới công nhận sức khỏe là một quyền của con người nhưng nhiều nước vẫn chưa thông qua hoặc áp dụng các điều luật để đảm bảo người dân có quyền tiếp cận các dịch vụ y tế. Tính đến năm 2021, ít nhất 4,5 tỷ người (tương đương hơn 50% dân số toàn cầu) không nằm trong diện được hưởng các dịch vụ y tế cơ bản.

Cộng đồng quốc tế đã từng đạt nhiều tiến bộ trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về sức khỏe dân số. Cụ thể, tỷ lệ tử vong ở trẻ em giảm 50%, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ giảm hơn 30%, tỷ lệ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm cũng ít dần trong khi nguy cơ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm và chấn thương cũng không còn cao như trước. Tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng từ 67 tuổi hồi năm 2000 lên 73 tuổi năm 2019.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thách thức cản trở nỗ lực hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững về sức khỏe vào năm 2030. Tốc độ giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh đang chậm lại, tương tự tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm chính. Ngoài ra, các nỗ lực giảm nguy cơ tiếp xúc với nhiều yếu tố gây tổn hại sức khỏe như sử dụng thuốc lá, nước và vệ sinh không an toàn cũng như nỗ lực cải thiện tình trạng chậm phát triển ở trẻ em chưa đủ nhanh và rủi ro vẫn cao.

Khu vực Đông- Nam Á cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy đã đạt được nhiều tiến bộ lớn nhưng hiện gần 40% người dân nơi đây vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu. Đầu tư của chính phủ vào lĩnh vực y tế tương đối thấp khiến người dân phải tự trả phí cao. Tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính khi tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản ngày càng tăng.

"Các nhà lãnh đạo chính phủ quốc gia, các thành viên của xã hội dân sự, chuyên gia chăm sóc sức khỏe, cá nhân, gia đình, các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quyền con người về sức khỏe", TS.Rui Paulo de Jesus, đại diện của WHO tại Philippines, nhấn mạnh trong một thông báo. "Cùng nhau, chúng ta có thể chống lại sự bất bình đẳng để đảm bảo rằng mọi người đều có thể được hưởng những lợi ích về sức khỏe tốt. Không ai bị bỏ lại phía sau".

Hoàng Dương