Tấm thẻ nhỏ, niềm hy vọng lớn

Thứ Năm, 08 /05/2025 10:53

Với người già neo đơn, tấm thẻ BHYT là người bạn đồng hành trong hành trình chống chọi với bệnh tật. Với NLĐ nghèo, đó là điểm tựa khi những rủi ro bất ngờ ập đến. Còn với những em nhỏ chẳng may mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, tấm thẻ ấy lại là tia sáng cuối đường hầm- nơi ngân sách gia đình không thể chạm tới, nhưng chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước thì luôn dang tay che chở.

Không đơn độc vì đã có thẻ BHYT

Giữa cái nắng oi ả của tháng 5, tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Nhi của Bệnh viện chuyên khoa Sản- Nhi Sóc Trăng, chị Nguyễn Thị Lâm- một công nhân làm thuê ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng- đang chăm sóc con gái là em Trần Tố Trinh bị viêm não nặng. Chị Lâm chia sẻ: “Tháng 2 năm 2024, bé Trinh được chuyển cấp cứu vào Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi Sóc Trăng trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp nặng. Sau khi được chẩn đoán bị viêm não - một căn bệnh nguy hiểm có thể để lại di chứng nặng nề - hai vợ chồng tôi gần như sụp đổ. Nhưng nhờ có BHYT, được quỹ BHYT chi trả gần như toàn bộ viện phí, gia đình tôi mới có thể cho con chữa trị đầy đủ”.

Tấm thẻ BHYT luôn đồng hành cùng người dân Sóc Trăng

Bên cạnh đó, các y bác sĩ đã nỗ lực không ngừng cho bé thở máy, sử dụng thuốc kháng sinh mạnh, kết hợp dinh dưỡng hồi phục chuyên sâu. Trong suốt hơn 15 tháng nằm viện, từ một em bé bất tỉnh, không phản ứng với ánh sáng, Trinh dần có lại nhận thức, bắt đầu tập thở - một tín hiệu hồi phục tuy nhỏ nhưng là cả một hành trình giành giật từ tay tử thần. Tính đến nay, tổng chi phí điều trị cho em đã hơn 400 triệu đồng. Không chỉ phẫu thuật, BHYT còn chi trả tiền thuốc, chi phí xét nghiệm, nằm viện dài ngày.

Bên giường bệnh, chị Nguyễn Thị Lâm \- mẹ của Trinh, nghẹn ngào: “Bây giờ nhìn con mở mắt, biết gọi mẹ là tui mừng lắm rồi. Nếu không có BHYT, tôi không biết lấy gì để cứu con. Có lúc tưởng chừng buông xuôi, không cách nào gồng gánh nổi hơn 400 triệu chi phí chữa trị, nhưng tấm thẻ nhỏ ấy đã cho con tôi thêm một cơ hội sống. Tôi biết ơn Nhà nước và ngành BHXH nhiều lắm!”. Một câu nói giản dị, nhưng chứa đựng cả niềm biết ơn sâu sắc và nỗi thắt lòng của một người mẹ từng sống trong lo sợ mất con chỉ vì… không đủ tiền chữa trị.

Chị Lâm vượt qua giai đoạn khó khăn nhờ tấm thẻ BHYT

Trường hợp của bé Trinh không phải là cá biệt. Cũng tại Bệnh viện chuyên khoa Sản– Nhi Sóc Trăng, nhiều ngày qua, em Trần Thị Ngọc Hoa– một bệnh nhi nhỏ tuổi bị viêm não– vẫn đang kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Em đã trải qua hơn 5 tháng điều trị tích cực, liên tục với tổng chi phí lên đến hơn 250 triệu đồng. Một con số không thể nào gánh nổi đối với một gia đình lao động nghèo. Ngồi bên giường bệnh cháu gái, chị Lâm Thị Điệp– người thân của bé Hoa– nghẹn ngào chia sẻ: “Ba mẹ cháu đi làm công nhân ở Bình Dương, thu nhập bấp bênh, mỗi tháng chỉ đủ tiền gửi về mua tã sữa cho con. Từ ngày cháu nhập viện tới nay, gia đình cứ thấp thỏm lo lắng, chỉ sợ không trụ nổi. Nếu không có BHYT, không biết phải vay mượn ở đâu ra từng ấy tiền. Nhờ chính sách này, cháu tôi mới có cơ hội sống tiếp, gia đình tôi không lâm vào cảnh khốn cùng…”.

Trong suốt hành trình điều trị cam go, các y bác sĩ từng nhiều lần lo ngại gia đình sẽ phải bỏ cuộc giữa chừng vì kiệt quệ tài chính. Thế nhưng, điều kỳ diệu là tấm thẻ BHYT đã trở thành chỗ dựa vững chắc, giúp em Hoa tiếp tục được điều trị đúng phác đồ, đúng thuốc, đầy đủ và kịp thời, mang đến hy vọng phục hồi rõ rệt từng ngày. Giữa những ngày tưởng như tăm tối nhất, chính chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước qua tấm thẻ BHYT đã thắp lên ánh sáng hy vọng, giúp gia đình bé Hoa vượt qua giai đoạn khốc liệt nhất của bệnh tật, níu giữ lại sự sống cho một mầm non đang cần chở che.

Chỗ dựa vững chắc cho người yếu thế

Tại Sóc Trăng- một trong những tỉnh nghèo có nhiều hộ dân có thu nhập thấp, bấp bênh - chính sách BHYT thực sự là cứu cánh. Các bệnh viện tuyến tỉnh hiện nay thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân phải điều trị dài ngày, sử dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn. Nhiều ca lên đến hàng trăm triệu đồng được Quỹ BHYT thanh toán- không chỉ giúp giảm tải gánh nặng chi phí cho gia đình người bệnh, mà còn tạo điều kiện để các cơ sở y tế phát huy tối đa năng lực chuyên môn, trang thiết bị hiện đại.

Theo BSCK1.Trần Huyền Trân- Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Nhi, Bệnh viện chuyên khoa Sản- Nhi Sóc Trăng, trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận hàng chục trường hợp trẻ em mắc bệnh nặng như viêm màng não, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng... Trong đó, nhiều trường hợp phải nằm điều trị hàng tháng, thậm chí cả năm, sử dụng máy thở, kháng sinh, kỹ thuật cao liên tục. “Nếu không có BHYT, có lẽ nhiều em đã phải ngưng điều trị giữa chừng vì gia đình kiệt quệ về tài chính. Nhờ có BHYT, các cháu được cứu sống, được điều trị đầy đủ, kịp thời và hồi phục ngoạn mục”- BS.Trân chia sẻ.

Chính sách BHYT không chỉ mang tính nhân đạo mà còn là chỗ dựa vững chắc cho hàng triệu người yếu thế – những người không có khả năng dự phòng cho rủi ro y tế. Trong năm 2024, Quỹ BHYT ở Sóc Trăng đã chi trả hàng trăm tỷ đồng viện phí cho người bệnh, trong đó phần lớn là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người già neo đơn và trẻ em dưới 6 tuổi. Điều này càng minh chứng rõ nét vai trò an sinh, nhân văn và bền vững của BHYT trong hệ thống chính sách xã hội.

Càng ở những vùng quê nghèo, càng thấm thía giá trị của tấm thẻ BHYT. Không ít người dân ban đầu còn do dự, ngần ngại khi tham gia vì chưa hiểu rõ quyền lợi- nhưng khi vào viện, họ mới thực sự nhận ra, nếu không có BHYT, một lần ốm nặng có thể đánh gục cả tương lai của một gia đình.

Người dân Sóc Trăng sử dụng thẻ BHYT đi KCB

Theo thống kê của BHXH tỉnh, mỗi năm quỹ BHYT chi trả trên 1.000 tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT, trong đó rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới 800 triệu đến 900 triệu đồng/năm. Ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính như: Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền), ung thư, tim mạch, suy thận...

Dù còn nhiều khó khăn về kinh tế- xã hội, nhưng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân của tỉnh luôn duy trì ở mức cao, trên 100%. Những năm gần đây, BHXH tỉnh đã tích cực đẩy mạnh truyền thông chính sách BHYT, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế để đảm bảo quyền lợi KCB cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế.

Ông Lâm Thanh Thiên- Phó Giám đốc Quản lý, điều hành BHXH tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Việc đảm bảo quyền lợi KCB cho người có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hàng năm, có hơn 3 triệu lượt người KCB BHYT được đảm bảo quyền lợi. Quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế, chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Việc người dân tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm "đóng góp khi lành, để dành khi ốm", nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn. Mỗi trường hợp được cứu sống nhờ BHYT là một minh chứng rõ ràng cho tính nhân văn sâu sắc của chính sách an sinh xã hội này”.

Từ những câu chuyện xúc động như của bé Trinh, bé Hoa… có thể thấy rõ: Chính sách BHYT đang làm đúng- làm tròn sứ mệnh cao cả của mình- là trụ cột vững chắc của hệ thống an sinh xã hội, là “người bạn đồng hành” đáng tin cậy của người dân trong hành trình bảo vệ sức khỏe.

Tấm thẻ nhỏ nhưng luôn chưa đựng ý nghĩa lớn với người dân

Giữa những thách thức của đời sống hiện đại, chính sách BHYT vẫn luôn là trụ cột an sinh không thể thay thế. Tấm thẻ BHYT tuy nhỏ, nhưng giá trị mang lại thì lớn lao vô cùng không chỉ về mặt tài chính, mà còn về niềm tin vào sự chăm lo của Nhà nước đối với nhân dân. Khi một em bé nghèo được cứu sống, khi một cụ già thoát khỏi lưỡi hái tử thần, khi một gia đình không bị đẩy vào cảnh khánh kiệt vì bệnh tật… đó chính là minh chứng sống động nhất cho hiệu quả và sự nhân văn của chính sách BHYT.

Từ những vùng quê xa xôi đến các đô thị sầm uất, từ NLĐ nghèo đến các cụ hưu trí- tấm thẻ BHYT đã và đang tiếp tục hành trình lặng lẽ mà cao cả: Chăm lo sức khỏe cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Quỳnh Anh