TAND quận Long Biên (Hà Nội) xét xử sơ thẩm vụ án giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ BHXH ngắn hạn

Thứ Sáu, 28 /04/2023 15:06

TAND quận Long Biên (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Thị M (1997, thường trú tại xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) hình phạt 26 tháng tù cho hưởng án treo.

Tháng 1/2021 và tháng 3/2021, Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi Hanel (Khu Công nghiệp Sài Đồng B- quận Long Biên, Hà Nội) tiếp nhận hồ sơ chứng từ là Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH của 7 công nhân, sau đó gửi đến cơ quan BHXH đề nghị thanh toán chế độ BHXH ngắn hạn.

BHXH TP.Hà Nội đã tiếp nhận các hồ sơ trên, tuy nhiên trong quá trình rà soát, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ chứng từ của các BV đã phát hiện có dấu hiệu giả mạo để hưởng chế độ BHXH ngắn hạn. Do đó, cơ quan BHXH tạm thời không giải quyết, thanh toán chế độ BHXH đối với các hồ sơ chứng từ trên. Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Gia Lâm đã chuyển nội dung nêu trên đến Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên để giải quyết theo thẩm quyền.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định: Do mục đích cá nhân có nhu cầu nghỉ việc riêng nên 7 công nhân của Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi Hanel đã thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo tìm mua Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả. Trong đó, cơ quan công an xác định được đối tượng Nguyễn Thị M chính là người trung gian mua bán Giấy tờ để hưởng hoa hồng. Theo lời khai của các công nhân và đối tượng M, mọi giao dịch mua bán Giấy tờ giả đều liên lạc qua tin nhắn Messenger, Zalo. 7 công nhân và đối tượng M không biết người làm Giấy tờ giả là ai, ở đâu, tên là gì và chỉ nhận Giấy tờ qua các dịch vụ giao hàng.

Cơ quan CSĐT cũng xác định 7 Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH của 7 NLĐ không phải do BVĐK huyện Gia Lâm cấp, không có y, bác sỹ nào công tác tại BVĐK huyện Gia Lâm có tên như trong Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, chữ kí của lãnh đạo và con dấu của BV cũng bị các đối tượng làm giả.

Đối với Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi Hanel nơi 7 công nhân làm việc, cơ quan công an xác định công ty không biết 7 Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH là giả, do đó không có căn cứ để xử lý đối với Công ty.

Về phía BHXH TP.Hà Nội, trong quá trình xem xét chi trả BHXH cho những đối tượng trên đã kịp thời phát hiện Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH là giả nên chưa tiến hành thanh toán cho các đối tượng. Do đó, chưa có thiệt hại về tiền trong vụ việc trên và không có yêu cầu gì về dân sự.

Xét thấy hành vi của 7 công nhân và những người liên quan tuy có dấu hiệu của tội Làm giả con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể nên áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự xử lý các đối tượng bằng biện pháp khác, Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND quận Long Biên ra quyết định xử phạt hành chính đối với những đối tượng trên về hành vi kê khai thông tin không đúng sự thật trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Riêng bị cáo Nguyễn Thị M, đối chiếu với các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ngày 15/4/2022, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 quy định vê án phí, lệ phí Tòa án. HĐXX đã tuyên bị cáo Nguyễn Thị M phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” mức phạt 26 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 52 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, buộc bị cáo M phải truy nộp số tiền thu lời bất chính để sung Ngân sách Nhà nước.

Qua sự việc trên cho thấy, việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi BHXH là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng.

Châu Anh