Tăng thuế thuốc lá: Giải pháp cần thiết và cấp bách
Thuốc lá không chỉ là một sản phẩm tiêu dùng phổ biến mà còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong sớm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, vấn nạn này đã để lại những hậu quả nghiêm trọng không chỉ về sức khỏe con người mà còn gánh nặng lớn đối với kinh tế-xã hội. Trước tình hình đó, tăng thuế thuốc lá được xem là giải pháp quan trọng và cần được thực hiện sớm nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm tổn thất kinh tế.
Ngày 21/11, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá. Chia sẻ tại Hội nghị, ThS.BS.Phan Thị Hải- Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, thuốc lá chứa đến 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư, là nguyên nhân dẫn đến ít nhất 25 loại bệnh khác nhau như ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản. Tại Việt Nam, mỗi năm có 85.500 người tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Cùng với đó, hút thuốc lá thụ động đã gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng, 104.300 ca tử vong mỗi năm được ghi nhận, tạo nên gánh nặng bệnh tật lớn và làm suy giảm chất lượng nguồn lao động quốc gia.
Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá
Hiện tại, Việt Nam có hơn 15 triệu người hút thuốc và hàng chục triệu người khác chịu ảnh hưởng từ hút thuốc lá thụ động. Thực trạng này không chỉ gây ra tổn thất về sức khỏe mà còn để lại hậu quả dài hạn về kinh tế. Theo dự báo, trong 10-20 năm tới, các tác động sức khỏe từ thói quen hút thuốc hiện nay sẽ trở nên rõ rệt hơn, với số lượng lớn người hút thuốc đối mặt với các bệnh nguy hiểm và tỷ lệ tử vong tăng cao.
Tác hại của thuốc lá không chỉ dừng lại ở sức khỏe mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra lên tới 1.400 tỷ USD mỗi năm. Tại Việt Nam, Hội Kinh tế Y tế ước tính năm 2022, chi phí cho khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do thuốc lá lên đến 108.000 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP cả nước. Đáng chú ý, con số này gấp 5 lần so với nguồn thu thuế từ thuốc lá mang lại.
Giá thuốc lá tại Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực Tây Thái Bình Dương, chỉ khoảng 0,9 USD/bao, dễ dàng tiếp cận với thanh thiếu niên và những người có thu nhập thấp. Điều này khiến việc giảm tỷ lệ người hút thuốc trở nên khó khăn hơn, bất chấp những nỗ lực phòng chống tác hại của thuốc lá.
Trước những hậu quả nghiêm trọng mà thuốc lá gây ra, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá được coi là giải pháp tối ưu để giảm tỷ lệ sử dụng. Theo ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của WHO, việc tăng thuế đủ cao để giảm tiêu dùng thuốc lá cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Điều này không chỉ giúp cứu sống nhiều người mà còn giảm đáng kể tổn thất kinh tế và xã hội.
WHO khuyến nghị các quốc gia áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp, bổ sung thuế tuyệt đối với mức đủ lớn và tăng thuế theo lộ trình ổn định. Mục tiêu là đưa tỷ lệ thuế thuốc lá chiếm 75% giá bán lẻ, nhằm giảm đáng kể tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
Tại Việt Nam, mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện tại là 75% tính trên giá xuất xưởng, nhưng khi tính theo giá bán lẻ, tỷ lệ này chỉ chiếm 36,7-38,8%. Con số này thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%) và hầu hết các nước ASEAN như Thái Lan (81,3%) hay Indonesia (63,5%).
Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) nhấn mạnh rằng biện pháp giá và thuế là công cụ hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt ở thanh thiếu niên. Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương cũng đề ra mục tiêu tăng thuế đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá để hạn chế tiêu dùng.
Ngoài ra, các văn bản pháp luật như Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Đầu tư và Nghị định số 67/2013/NĐ-CP đều xác định thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và thuộc nhóm hàng hóa bị hạn chế kinh doanh. Quyết định 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030, với mục tiêu xây dựng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng.
Tăng thuế thuốc lá không chỉ là biện pháp tài chính mà còn là trách nhiệm xã hội nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu gánh nặng kinh tế. Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện các lộ trình tăng thuế theo khuyến nghị của WHO, đảm bảo giá thuốc lá đủ cao để hạn chế việc tiếp cận dễ dàng, đặc biệt đối với thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp. Hành động kịp thời không chỉ cứu sống hàng trăm nghìn người mỗi năm mà còn góp phần xây dựng một xã hội khỏe mạnh, phát triển bền vững, không còn chịu đựng những hậu quả nặng nề do thuốc lá gây ra.
Quốc Khánh
- Ứng dụng y tế từ xa: Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế cho nhóm yếu thế
- Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh
- Kháng thuốc: Mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu
- Hỗ trợ các giáo viên hiếm muộn chạm ước mơ làm cha mẹ
- Cẩn thận trẻ mê... ăn tóc