Thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh BHYT: Quyền lợi của bệnh nhân có thực sự đảm bảo?

Thứ Sáu, 15 /12/2023 10:54

Bộ Y tế đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, VTYT trực tiếp cho người bệnh BHYT. Dự thảo Thông tư này được xây dựng với kỳ vọng tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT trong điều kiện cơ sở y tế thiếu thuốc, VTYT. Tuy nhiên, các quy định theo Dự thảo này có thực sự mang lại lợi ích cho bệnh nhân BHYT?

Theo Dự thảo Thông tư, quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí thuốc, VTYT trực tiếp cho người bệnh có thẻ BHYT hoặc thanh toán chi phí thuốc, VTYT cho cơ sở KCB nếu có đủ 3 điều kiện: Thuốc, VTYT mà người bệnh được kê đơn thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, VTYT nhưng tại thời điểm sử dụng hoạt chất thuốc, VTYT không sẵn có tại cơ sở KCB, không sẵn có thuốc thành phẩm nào chứa hoạt chất mà người bệnh được chỉ định; không sẵn có VTYT phù hợp mà người bệnh được chỉ định sử dụng.

Đồng thời, Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ 2 địa chỉ mà người bệnh/thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp có thể mua thuốc, VTYT để đủ điều kiện được thanh toán trực tiếp: Nhà thuốc BV của cơ sở KCB nơi người bệnh điều trị; đơn vị cung ứng thuốc, VTYT (đáp ứng các điều kiện đã trúng thầu với bất kỳ cơ sở KCB có ký hợp đồng KCB BHYT; thuốc, VTYT đã được sử dụng và thanh toán cho người bệnh có thẻ BHYT tại cơ sở KCB nơi đơn vị cung ứng trúng thầu; hợp đồng thầu cung ứng thuốc, VTYT còn hiệu lực).

Dự thảo được xây dựng trong bối cảnh thời gian qua, đặc biệt là năm 2022- giai đoạn dịch bệnh COVID-19, nhiều cơ sở y tế không thể cung ứng đủ thuốc, VTYT trong danh mục hưởng BHYT cho bệnh nhân đang điều trị, nên yêu cầu bệnh nhân phải tự mua thuốc ngoài thị trường. Tuy nhiên, quy định về thanh toán trực tiếp tiền thuốc, VTYT từ quỹ BHYT cho bệnh nhân BHYT có khả thi và thực sự thuận lợi cho người bệnh?

Thực tế, thị trường thuốc và VTYT có những đặc thù riêng, bên cạnh yếu tố giá cả, vấn đề quan trọng nhất là những yêu cầu nghiêm ngặt trong kiểm soát chất lượng sản phẩm từ nguồn gốc, đến điều kiện bảo quản... Khi người bệnh phải tự mua thuốc, VTYT ngoài thị trường, có đồng nghĩa với việc người bệnh phải đối mặt với những rủi ro về chất lượng thuốc.

Bên cạnh đó, không phải bệnh nhân nào cũng có thể tự mua thuốc. Có bệnh nhân khỏe mạnh, song cũng có người hoàn cảnh đơn chiếc, nằm liệt, có người không đủ sức khỏe đi lại... Trong khi đó, theo quy định hiện hành, bệnh nhân có quyền được chính cơ sở KCB cung ứng thuốc và VTYT trong quá trình điều trị; cũng đồng thời thụ hưởng “quyền lợi” được cơ sở y tế đảm bảo thuốc và VTYT đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn cho quá trình điều trị.

Khó khăn thứ hai là vấn đề chi phí “tiền túi” của bệnh nhân. Hiện nay, tấm thẻ BHYT chính là sự “bảo lãnh” lớn nhất về chi phí quá trình điều trị của bệnh nhân BHYT, bởi các cơ sở y tế đang được quỹ BHYT tạm ứng 80% chi phí KCB, được sử dụng để thanh toán phần lớn chi phí với cơ sở y tế sau khi bệnh nhân kết thúc đợt điều trị. Dự thảo Thông tư “mở rộng” điều kiện để người bệnh thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH cũng làm tăng thêm nguy cơ người bệnh phải tự “ứng tiền túi” mua thuốc và VTYT, trong khi rất nhiều loại thuốc, VTYT có chi phí lớn, thậm chí nằm ngoài khả năng tài chính của người bệnh, nhất là các bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn...

Quyền lợi của bệnh nhân, của người tham gia BHYT phải được đảm bảo- đây là yêu cầu chính đáng và cần thiết. Để giải quyết bài toán thiếu thuốc, VTYT tại cơ sở y tế trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản; Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư (trong đó có Thông tư số 14/2023/TT-BYT ngày 30/6/2023) về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu vật tư, thiết bị y tế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở y tế công lập yên tâm mua sắm trang thiết bị y tế, nhằm cung ứng đủ thuốc, VTYT cho người bệnh ngay tại cơ sở y tế...

Giải trình tình trạng thiếu thuốc, VTYT thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV: "...vướng mắc trong đấu thầu mua sắm, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc cung ứng thuốc, VTYT cũng chịu ảnh hưởng và bị gián đoạn nhất định, việc tăng giá thuốc; tâm lý ngại trách nhiệm trong mua sắm, đấu thầu ở một số đơn vị...”.

Như vậy, việc quy định thanh toán trực tiếp đối với các trường hợp người bệnh phải tự mua thuốc, VTYT là do, tại thời điểm sử dụng, hoạt chất thuốc, VTYT không sẵn có tại cơ sở KCB, nên sẽ không giải quyết được các nhóm nguyên nhân như Bộ trưởng Bộ Y tế đã nêu. Việc bệnh nhân phải tự ra ngoài mua sắm là chuyện giải quyết khó khăn cấp bách trước mắt. Song, gốc rễ của vấn đề là việc ngành Y tế phải tìm cách đảm bảo cung ứng đủ ngay tại nơi điều trị, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mọi bệnh nhân, chứ không thể vì khó khăn về TTHC của ngành Y tế mà đẩy “trái bóng” này cho chính người bệnh.

Thái An