Thiết bị đo nhịp tim trong thể thao: Vệ sĩ của trái tim hay thiết bị thời trang?

Thứ Ba, 09 /04/2024 10:39

Cần thiết phải kiểm tra tim mạch ít nhất 1 năm/lần đối với các VĐV thể thao chuyên nghiệp, nhất là với những VĐV điền kinh- đó là khẳng định của các chuyên gia y tế thể thao. Trên thực tế, các VĐV chạy bộ nghiệp dư ngày nay cũng thường có trên tay mỗi người một chiếc đồng hồ hay thiết bị đo nhịp tim để kiểm tra nhịp tim bản thân. Tuy nhiên, đồng hồ đeo tay theo dõi nhịp tim liệu có chính xác?

Bùng nổ thiết bị

Sự bùng nổ của thiết bị công nghệ đeo tay trong những năm gần đây đã và đang mang đến cho người tập luyện thể thao một loạt các thiết bị theo dõi sức khỏe, bao gồm cả máy đo nhịp tim (HRM). Tuy nhiên, độ chính xác của những thiết bị này còn là chủ đề tranh luận sôi nổi giữa các chuyên gia. TS.James O'Keefe, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Preventic, khẳng định: “Đo nhịp tim chính xác là điều cần thiết để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi tập luyện thể thao, đặc biệt là những người tập luyện cường độ cao. Nhịp tim là một chỉ số quan trọng giúp người tập theo dõi cường độ vận động, điều chỉnh bài tập phù hợp và tránh tập luyện quá sức”.

Hiện nay máy đo nhịp tim có 2 loại chính: dây đeo ngực và cảm biến quang học (thiết bị đeo cổ tay). Dây đeo ngực được đánh giá cao về độ chính xác (lên đến 99,6%) nhờ tiếp xúc trực tiếp với da. Tuy nhiên, nhiều người lại cảm thấy bất tiện khi đeo thiết bị này trong thời gian dài. Cảm biến quang học ngày càng phổ biến nhờ sự tiện lợi và thoải mái. Tuy nhiên, độ chính xác của nó thấp hơn (tốt nhất 92%, thấp nhất 67%) và dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như vị trí đặt cảm biến, màu da, lượng vận động và mồ hôi.

Không thể thay thế

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế và bác sĩ tim mạch lại có quan điểm khác. Họ cho rằng độ chính xác là yếu tố then chốt, đặc biệt đối với bệnh nhân tim mạch: Nhịp tim sai lệch có thể dẫn đến nguy hiểm cho sức khỏe. Mặt khác, người tập luyện cường độ cao cũng cần theo dõi nhịp tim chính xác để đảm bảo hiệu quả tập luyện và tránh chấn thương. Bác sĩ Lê Đức Việt, Khoa Nội tim mạch BV Xanh Pôn, chia sẻ: “Theo Hội Tim mạch Việt Nam và Bộ Y tế, nhịp tim trung bình của chúng ta sẽ rơi vào khoảng 60-100 nhịp/phút. Nhịp nhanh là nhịp lớn hơn 100 nhịp/phút và nhịp chậm là dưới 60 nhịp/phút. Tuy nhiên theo 1 số tài liệu của nước ngoài thì có thể quy định nhịp chậm là dưới 50 nhịp/phút”.

Dr. Michael Emery, Chuyên gia Tim mạch, Trung tâm Y tế Cleveland Clinic, nhấn mạnh “máy đo nhịp tim có thể giúp họ điều chỉnh bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe và tránh các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, các thiết bị đeo không thể thay thế hoàn toàn cho các dụng cụ y tế chuyên nghiệp trong việc theo dõi nhịp tim chính xác tuyệt đối. Giải thích thêm cho câu hỏi: Một số người bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành) nói rằng nhịp tim của họ chỉ cần vượt quá 85 nhịp/phút là họ đã cảm thấy khó chịu, mặc dù chưa vượt qua giới hạn vừa trao đổi (60-100 nhịp/phút), bác sĩ Lê Đức Việt cho biết: “Con số 60-100 nhịp/phút là tính ra trên tổng 1 quần thể, số dân cư của chúng ta.  Đối với trường hợp của bệnh nhân này, nhịp tim trên 85 nhịp/phút họ cảm thấy bất thường, không thoải mái. Nhịp tim như vậy là nhanh so với họ, nhanh so với cá thể người bệnh. Như vậy, bệnh nhân phải tìm mọi cách làm nhịp tim giảm xuống dưới 85 nhịp/phút, tại ngưỡng nhịp tim họ thấy bình thường nhất”.

Máy đo nhịp tim là một công cụ hữu ích giúp người tập theo dõi sức khỏe và hiệu quả tập luyện. Tuy nhiên, người tập cần lựa chọn thiết bị phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng của mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có vấn đề về tim mạch hoặc tập luyện cường độ cao.

Thành Lương