Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần tập trung thực hiện 3 mục tiêu, 7 đột phá phát triển ngành logistics
Sáng 2/12, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024, với chủ đề “Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics”. Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ 3 mục tiêu và 7 giải pháp đột phá để phát triển ngành logistics Việt Nam, trong đó có việc xây dựng, phát triển quốc gia thương mại tự do.
Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024 được Bộ Công Thương tổ chức hằng năm, từ năm 2013 đến nay, nhằm thúc đẩy DN logistics ứng dụng công nghệ tiến bộ, hiện đại trong việc vận hành chuỗi cung ứng; tìm giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt tạo môi trường giúp liên kết các DN logistics, các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhằm phát triển logistics Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024
Với chủ đề “Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics”, Diễn đàn phát đi thông điệp về việc Việt Nam khuyến khích, thu hút phát triển các khu thương mại tự do, nhằm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về logistics, góp phần thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo đó, tốc độ phát triển ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm, đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2024, cả nước có gần 6.500 DN trong lĩnh vực logistics đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 36.550 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 28.900 lao động, tăng 13,5% về số DN, tăng 18,3% về số lao động, nhưng lại giảm 11,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã chia sẻ về tình hình phát triển logistics; tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách, định hướng phát triển logistics tại Việt Nam. Đồng thời, đề xuất định hướng phát triển logistics Việt Nam. Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò và sự phát triển của lĩnh vực logistics trong kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đồng thời nêu lên những kinh nghiệm, xu hướng phát triển logistics và khu thương mại tự do trên thế giới và khuyến nghị cho ngành logistics Việt Nam…
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024
Đáng chú ý, các ý kiến đề xuất Việt Nam cần thúc đẩy hình thành các khu thương mại tự do, các cảng trung chuyển quốc tế, xây dựng đội tàu container, đội tàu bay chuyên dụng vận tải hàng hoá; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng các DN logistics mạnh, phát triển mạnh hạ tầng giao thông, kho bãi, đổi mới công nghệ, đào tạo và nâng cao nhân lực ngành logistics, phát triển các mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực logistics, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách khuyến khích người nước ngoài phát triển logistics Việt Nam…
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số kết quả, thành tựu phát triển ngành logistics Việt Nam thời gian qua. Theo Thủ tướng, thời gian qua, khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách được hoàn thiện giúp lĩnh vực logistics phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Đáng chú ý, hạ tầng logistics phát triển nhanh với nhiều công trình lớn, hiện đại, thúc đẩy cơ cấu hợp lý, kết nối hài hoà các phương thức vận tải, giảm chi phí.
Trong đó, hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá, hệ thống đường cao tốc đã đạt trên 2.000km. Việt Nam đang quyết tâm xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, kết nối đường sắt với Lào, Trung Quốc. Hệ thống sân bay phát triển tương đối tốt. Năng lực đường thủy nội địa được nâng cao với 298 cảng nội địa; hình thành các cảng biển cửa ngõ, bến chuyên dùng gắn với khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp (có 286 bến cảng, 95km cầu cảng, 25 tuyến quốc tế…); hoàn thiện khu xử lý hàng hóa riêng biệt tại các cảng hàng không; đẩy mạnh đầu tư các trung tâm logistics (hiện có 69 trung tâm lớn và vừa), chuyển mạnh sang trung tâm thế hệ mới ứng dụng công nghệ 4.0…
Số DN logistics tiếp tục gia tăng, đi vào hiện đại, khả năng cạnh tranh ngày càng cao. Năm 2023 có 7.919 DN logistics thành lập mới; Việt Nam đứng đầu ASEAN về số DN được cấp phép vận chuyển đường biển đi và đến Hoa Kỳ. Phát triển logistics có xu hướng tích cực hơn, phát huy đa dạng các phương thức vận tải, giảm dần phụ thuộc vào vận tải bằng đường bộ. Phát triển nhân lực logistics được đẩy mạnh; hiện nay đã tập trung phát triển 3 cấp độ đào tạo (đại học và trên đại học, cao đẳng, trung cấp, đào tạo ngắn hạn) và 49 trường đại học có ngành học logistics. Nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế về logistics của Việt Nam được cải thiện. Năm 2023, Chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam xếp 43/139 (xếp hạng của WB), các chỉ số thành phần về hiệu quả vận chuyển quốc tế, hạ tầng và hiệu quả hải quan được cải thiện; Việt Nam đã được xếp hạng thuộc nhóm 5 thị trường dẫn đầu ASEAN.
Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2024
Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN logistics Việt Nam khi đã đạt những kết quả quan trọng, tạo diện mạo mới cho ngành logistics, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại liên quan tới nhận thức về ngành logistics và tiềm năng, vị trí của Việt Nam trong lĩnh vực này. Cụ thể: Chí phí logistics còn cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm, DN và nền kinh tế; quy mô của ngành so với quy mô GDP Việt Nam và quy mô ngành logistics toàn cầu (lên tới 9.000 tỷ USD) còn hạn chế; nguồn nhân lực còn yếu và thiếu; DN phát triển chưa mạnh, chưa có cơ chế để phát triển; mối liên kết giữa các phương thức vận tải với kho bãi còn hạn chế; hạ tầng logistics còn lạc hậu.
Nhấn mạnh xu thế hội nhập, thương mại quốc tế ngày càng phát triển, Thủ tướng chỉ rõ, ở trong nước, kỷ nguyên phát triển mới và việc đẩy mạnh khai thác không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ, chuyển đổi số, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực đã đặt ra những yêu cầu mới, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ ngành logistics, giảm thời gian, chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN. Trong bối cảnh đó, dịch vụ logistics càng có vai trò quan trọng, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển của đất nước và hội nhập, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Thủ tướng cũn lưu ý, phát triển ngành logistics phải đi theo các xu thế mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; trên tinh thần “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và DN”, “sáng tạo để bay cao, đổi mới để vươn xa, hội nhập để phát triển”.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng nêu rõ 3 mục tiêu phát triển ngành logistics, đó là: Giảm chi phí logistics so với GDP Việt Nam từ 18% xuống còn 15% trong năm 2025; nâng tỷ trọng ngành logistics Việt Nam trong quy mô GDP từ 10% lên 15% và phấn đấu đạt 20%, đồng thời nâng tỷ trọng của ngành logistics Việt Nam so với quy mô ngành logistics toàn cầu từ 0,4% lên 0,5% và phấn đấu đạt 0,6%; nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam từ 14-15% mỗi năm hiện nay lên 20%.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh 7 giải pháp phát triển ngành logistics, coi đó là 7 đột phá để thực hiện 3 mục tiêu đã đề ra. Cụ thể: Nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành logistics và vị trí Việt Nam ở trung tâm khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong chuỗi logistics thế giới; tạo đột phá thể chế theo hướng thông thoáng để phát triển ngành xứng tầm, với quan điểm “thể chế là nút thắt của nút thắt”, là “đột phá của đột phá”; xây dựng hạ tầng logistics hiện đại, thông suốt để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là phát triển ngành hàng không, hàng hải và đường sắt tốc độ cao; xây dựng quản trị thông minh và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics; đẩy mạnh hội nhập, ngoại giao logistics và hiện đại hóa ngành logistics nội địa; xây dựng và phát triển quốc gia thương mại tự do, đồng thời quản lý hiệu quả, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông (hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa) và kết nối với giao thông quốc tế, với các khu thương mại tự do của thế giới.
Giao nhiệm vụ cho các cơ quan, địa phương, nhất là Bộ Công Thương cần chủ trì, cùng các bộ, ngành xây dựng Chiến lược phát triển ngành logistics và Đề án phát triển quốc gia thương mại tự do, phát triển các khu thương mại tự do ở biên giới, Thủ tướng nêu rõ: Trung ương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; địa phương tăng cường tính tự lực, tự cường, tính chủ động, “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, hỗ trợ các DN phát triển.
Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo, tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng cho sự phát triển, thiết kế công cụ huy động nguồn lực, giám sát, kiểm tra. Đồng thời, đề nghị các đối tác, DN nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tham gia góp ý chính sách, xây dựng và hoàn thiện thể chế với tinh thần “tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo”, giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Bên cạnh đó, đề nghị bạn bè, đối tác quốc tế cùng Việt Nam tiếp tục xây dựng mối quan hệ thật tốt. Bởi, Việt Nam luôn kiên trì, kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
“Sau những bước đi ban đầu với những thành tựu, tiền đề rất quan trọng, với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, cùng với đà tăng tốc, bứt phá, tâm thế mới, tư duy mới trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, ngành logistics Việt Nam hiện đang độ tuổi “thanh niên” sẽ tự tin, phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh nhiều trung tâm dịch vụ logistics chất lượng cao gắn với các khu thương mại tự do, trong đó Bà Rịa-Vũng Tàu phải đi đầu trong quá trình này, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”- Thủ tướng chia sẻ.
PV
- Toàn ngành BHXH Việt Nam tập trung cao độ “nước rút” về đích
- Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT
- Tập huấn nghiệp vụ thực hiện Tổng kiểm kê tài sản công ngành BHXH Việt Nam
- Bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Tập trung triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT