Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khẩn trương bố trí đủ kinh phí, chi trả cho người nghỉ việc càng sớm càng tốt

Thứ Sáu, 09 /05/2025 14:40

Sáng 9/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngay sau khi kết thúc Hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Tất cả các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân với tỷ lệ đồng thuận đạt trung bình gần 96%; HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong cả nước đã ban hành Nghị quyết thông qua các Đề án với tỷ lệ đồng thuận đa số đạt 100%.

Đến ngày 8/5/2025, đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định. Dự kiến sau sắp xếp, số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh khoảng 91.784 người, giảm 18.449 người; biên chế cán bộ, công chức cấp xã bố trí khoảng hơn 199.000 người, giảm khoảng 110.000 người; kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước là hơn 120.000 người.

Cũng theo Ban Chỉ đạo, dự kiến kinh phí tiết kiệm chi tiền lương và định mức chi hành chính trong giai đoạn từ 2026 - 2030 của cả nước khoảng 190,5 nghìn tỷ đồng. Dự kiến chi trả chế độ, chính sách cho đối tượng nghỉ việc cấp tỉnh khoảng 22.000 tỷ đồng; cấp xã khoảng 99.000 tỷ đồng; kinh phí đóng BHXH cho các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu khoảng 6,6 ngàn tỷ đồng.

Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, việc sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là vấn đề lớn, khó, liên quan nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực, thời gian gấp. Cùng với việc hoàn thiện đề án trình Quốc hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện Đề án tại địa phương. Trong đó, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trụ sở, tài chính, tài sản công, phương án sắp xếp, bố trí nhân sự... để triển khai ngay khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án kiện toàn các cơ quan, tổ chức của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương sau sắp xếp.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ý kiến của các đại biểu; thống nhất hoàn thiện tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, số đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm từ 63 xuống còn 34; số đơn vị hành chính cấp xã từ 10.035 xuống còn 3.321, giảm 66,91%; không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện.

Thủ tướng đánh giá, các quy trình, thủ tục về sắp xếp đơn vị hành chính được thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị; tổ chức quán triệt, triển khai trong cả hệ thống chính trị và lấy ý kiến rộng rãi toàn thể nhân dân và đại biểu HĐND các cấp; nhân dân kỳ vọng sau sắp xếp hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp sẽ hiệu quả hơn, thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, sau khi ổn định tổ chức bộ máy theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và thực hiện các chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư, vận hành tốt hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, không để gián đoạn công việc. “Bộ Tài chính khẩn trương bố trí ngay kinh phí để chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ và dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đơn vị hành chính địa phương; hướng dẫn sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính địa phương”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách khác, trong đó phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại hơn 2.200 dự án với gần 6 triệu tỷ đồng và hơn 300 nghìn ha đất đang ách tắc. Đặc biệt, tổ chức thực hiện tốt “bộ tứ chiến lược” đã được Bộ Chính trị bàn hành gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phát phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66 -NQ/TW ngày 30/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Vũ Thu