Thực hiện Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và những khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành BHXH Việt Nam
Ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược). Trong phần tổ chức thực hiện đã xác định tránh nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với nhiều nhiệm vụ khác nhau trên các phương diện như: Ban hành quy định, kế hoạch thực hiện; đề xuất, bố trí, huy động kinh phí, nguồn lực để tổ chức thực hiện; bảo vệ, hỗ trợ nhân tài trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Nhằm mục đích góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược đối với ngành BHXH Việt Nam theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bài viết bàn về các tiêu chí nhận diện, những nội dung cần triển khai và những khó khăn, thách thức đặt ra cùng một số đề xuất, kiến nghị.
1. Tiêu chí nhận diện và những nội dung cần triển khai thực hiện Chiến lược
1.1. Tiêu chí nhận diện
Theo Chiến lược, các tiêu chí cơ bản để nhận diện người có tài năng (nhân tài) là: (i) người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; (ii) có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; (iii) có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ, phát triển của một lĩnh vực, một ngành, của địa phương hoặc đất nước được tiến hành trong các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cùng với tiêu chí nhận diện, Chiến lược đã xác định các nhóm nhân lực để thực hiện chính sách phát hiện, tiến cử, thu hút, trọng dụng nhân tài gồm:
- Học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, có tố chất, năng khiếu nổi trội từ các cơ sở giáo dục, đào tạo;
- Những người có học vị, học hàm thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư, có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn;
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội có năng lực nổi trội, luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, công vụ;
- Những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước.
1.2. Những nội dung cần triển khai thực hiện Chiến lược
Trong phần tổ chức thực hiện Chiến lược đã xác định các nhiệm vụ triển khai thực hiện của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:
- Ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược;
- Nghiên cứu ban hành quy định cụ thể hoá khái niệm nhân tài và tiêu chí xác định nhân tài theo ngành, lĩnh vực;
- Nghiên cứu ban hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài theo ngành, lĩnh vực;
- Nghiên cứu ban hành các chính sách thu hút nhân tài theo ngành, lĩnh vực;
- Đề xuất, bố trí, huy động kinh phí, nguồn lực để thực hiện Chiến lược đảm bảo hiệu quả, phù hợp với nhu cầu phát triển ngành, lĩnh vực;
- Quy định về bảo vệ, hỗ trợ nhân tài trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ;
- Trong phụ lục kèm theo Quyết định của Thủ tướng đã xác định 10 nhiệm vụ liên quan đến thể chế chính sách Chính phủ phải ban hành từ nay đến năm 2025.
2. Những khó khăn, thách thức đặt ra trong triển khai thực hiện Chiến lược đối với ngành BHXH Việt Nam
Thứ nhất, cụ thể hoá các tiêu chí cơ bản trong Chiến lược để từ đó nhận diện nhân tài đối với ngành, lĩnh vực cần thu hút, trọng dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên phương diện lý luận, các tiêu chí “Đạo đức, lối sống chuẩn mực”, “Trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội” còn mang tính định lượng, chưa định tính, vì vậy cần cụ thể hoá bằng các tiêu chí định tính đối với ngành, lĩnh vực BHXH. Mặt khác, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, không có tài năng chung chung, đáp ứng được tất cả các hoạt động của ngành, lĩnh vực BHXH, vì vậy cần cụ thể hoá các tiêu chí đã được xác định trong Chiến lược phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu về lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ của ngành, tránh tình trạng phân định chỉ tiêu bình quân, thiếu tập trung trong thu hút, trọng dụng nhân tài.
Bên cạnh có tài năng, đòi hỏi mỗi cán bộ BHXH phải có sự tận tâm và tinh thần phục vụ
Thứ hai, xác định vị trí công việc nào cần người có tài năng. Theo quy định của Luật Viên chức và cụ thể hơn là tại Điều 5 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập có những cách xác định như: (1) Theo khối lượng công việc có vị trí việc làm do một người đảm nhiệm, vị trí việc làm do nhiều người đảm nhiệm, vị trí việc làm kiêm nhiệm. (2) Theo tính chất, nội dung công việc có vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành; vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung (tài chính, kế hoạch-đầu tư, thanh tra, pháp chế, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, văn phòng và một số vị trí việc làm đặc thù khác); vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ. Thực tế cho thấy, không phải tất cả các vị trí việc làm trong hệ thống tổ chức ngành BHXH đều cần người có tài năng. Phải chăng chỉ cần với các vị trí lãnh đạo, quản lý; còn vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành thì đến cấp nào, và ở những đơn vị nghiệp vụ nào? Đấy là những câu hỏi cần có lời giải đáp thuyết phục trên cả lý luận và thực tiễn.
Thứ ba, một số nhiệm vụ phải chờ các bộ hoàn thiện dự thảo văn bản trình Chính phủ ban hành, hoặc đề xuất với Quốc hội như: Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài (người có tài năng) vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức (liên quan đến tiêu chí đánh giá, công nhận, thu hút, trọng dụng và quản lý nhân tài); chính sách ưu đãi về nhà ở đối với nhân tài trong nước và nhân tài ở nước ngoài về Việt Nam làm việc; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ-Công chức và Luật Viên chức gắn với chính sách nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thành lập Quỹ Phát triển nhân tài quốc gia và cơ chế hỗ trợ kinh phí để Quỹ hoạt động theo quy định của pháp luật… Theo đó, sẽ ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ và tính chất đồng bộ trong triển khai các nhiệm vụ thực hiện Chiến lược đối với ngành BHXH Việt Nam. Ví dụ: Thu hút sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc vào ngành nhưng chưa có cơ chế tuyển dụng, trọng dụng, đãi ngộ. Điều này khiến Ngành khó thu hút và “giữ chân” người có tài ở lại làm việc.
Thứ tư, áp lực trong thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế cũng là một trong những khó khăn, thách thức đặt ra. Trong Nghị định số 106/2020/NĐ-CP, ngoài quy định về phân loại vị trí việc làm, còn có các nguyên tắc, căn cứ xác định số lượng người làm việc và cơ cấu theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp rất cụ thể, chặt chẽ. Mặt khác, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 (có hiệu lực từ ngày 20/7/2023) quy định về tinh giản biên chế; theo đó các cơ quan, đơn vị cần rà soát, sắp xếp tổ chức để thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW giai đoạn 2022-2026, đảm bảo cơ bản không tăng biên chế cán bộ, công chức và thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2021; chỉ được tăng biên chế khi thành lập tổ chức mới hoặc tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao thêm nhiệm vụ.
Thứ năm, bảo vệ, hỗ trợ nhân tài trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ nói thì dễ, nhưng để làm được lại không đơn giản chút nào, thể hiện trên một số phương diện như:
- Đại hội XIII của Đảng xác định “6 dám” đó là: Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Để thực hiện quyết tâm chính trị này, đòi hỏi phải có cơ chế pháp luật bảo đảm, trong khi kể từ thời điểm có Nghị quyết đến nay vẫn chưa hình thành được cơ chế, quy định bảo đảm đối với những người “6 dám”. Một trong những tiêu chí nhận diện nhân tài chính là năng lực vượt trội thể hiện qua các “dám” nêu trên; vậy BHXH Việt Nam sẽ bảo vệ, hỗ trợ thế nào khi chưa có cơ chế đối với những nhân tài “6 dám” vì lợi ích chung?
- Bảo vệ, hỗ trợ nhân tài trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ là cần thiết, nhưng trong Chiến lược không định rõ chủ thể thực hiện trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ là ai, người đứng đầu hay tập thể lãnh đạo đơn vị nơi người có tài năng công tác; lãnh đạo ngành, lĩnh vực, viên chức đồng nghiệp có trách nhiệm gì trong việc bảo vệ, hỗ trợ người có tài năng. Chừng nào những câu hỏi này còn chưa có lời giải đáp, thì chừng đó còn khó khăn, lúng túng trong bảo vệ, hỗ trợ nhân tài.
Giám định BHYT là một trong những lĩnh vực đòi hỏi phải có chuyên môn và sự nhạy bén
Thứ sáu, sự “khập khiễng” trong chính sách tuyển dụng hiện hành giữa công chức với viên chức là khó khăn, thách thức đối ngành BHXH Việt Nam trong thu hút, trọng dụng người có tài năng. Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức có quy định xét tuyển đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng (Điểm c, Khoản 1, Điều 10); chính sách chung đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ về đào tạo, bồi dưỡng, môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc, quy hoạch, bổ nhiệm, tiền lương, chế độ phúc lợi và các chính sách khác (Điều 70). Trong khi đó, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có quy định không xác định đối tượng xét tuyển là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng; không có quy định chính sách chung đối với người có tài năng trong hoạt động sự nghiệp. Sự “khập khiễng” này không chỉ đặt ra yêu cầu về sự đồng bộ, tính thống nhất trong chính sách đối với người có tài năng, mà còn đặt ra quan điểm về sự cần thiết trong phát hiện, thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong các ngành, các cấp ở nước ta.
3. Đề xuất, kiến nghị
Trong khi chờ đợi Chính phủ ban hành các Nghị định liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, Lãnh đạo BHXH Việt Nam cần chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Khảo sát, đánh giá về sự cần thiết, đối tượng, phạm vi, nội dung trong triển khai thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đối với Ngành để xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược.
- Thực hiện một số nghiên cứu, hội thảo, toạ đàm với các mức độ, quy mô khác nhau trên các phương diện như: Cơ sở lý luận, thực tiễn xác định các tiêu chí định tính đối với nhân tài; đối tượng, phạm vi và vị trí việc làm cần thu hút, trọng dụng nhân tài; cơ chế bảo vệ, hỗ trợ nhân tài trong thực hiện nhiệm vụ đối với ngành BHXH Việt Nam.
- Tiến hành rà soát các quy định của Ngành và các quy định pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động để kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới, nhằm tạo thống nhất, đồng bộ trong thực hiện chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và người có tài năng của ngành BHXH Việt Nam.
- Xem xét bổ sung nội dung về thu hút, trọng dụng nhân tài vào Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
TS.Nguyễn Quốc Tuấn- Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH
- Giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện vùng Tây Bắc
- Giới thiệu sách Trạm Y tế xã
- Hoàn thiện chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn
- Đánh giá tác động của việc Việt Nam tham gia Công ước số 102 về an sinh xã hội
- Xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam