Thuốc mới điều trị viêm phổi

Thứ Sáu, 21 /07/2023 16:39

Hiện nay, thuốc kháng sinh Xacduro chưa được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng đem lại niềm hy vọng, khi trong thời gian tới, các BV lớn ở nước ta sẽ có thêm một loại vũ khí để chiến đấu với các chủng vi khuẩn gây bệnh viêm phổi, căn bệnh nguy hiểm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang còn gây nguy hại cho cộng đồng.

Viêm phổi là tình trạng viêm cấp tính của phổi do nhiễm trùng. Nó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng nhập viện và tử vong ở trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền. Tất cả mọi người đều phải hô hấp qua phổi trong bối cảnh có rất nhiều nguy cơ lơ lửng trong không khí đang ngày càng bị ô nhiễm. Do đó, việc bảo vệ lá phổi và hệ hô hấp trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để phòng tránh nguy cơ viêm phổi và các bệnh hô hấp nguy hiểm đến tính mạng.

Kiểm tra phim chụp X-Quang phổi

Khi phổi bị viêm, nhu mô phổi bị nhiễm trùng và sưng to, bao gồm: Viêm phế nang (túi khí nhỏ), túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng. Khi các phế nang, đường dẫn khí chứa nhiều dịch nhầy hoặc mủ, xuất tiết dịch đường hô hấp trên gây ho đờm, sốt ớn lạnh, khó thở. Viêm phổi có thể xuất hiện ở một vùng hoặc vài vùng (viêm phổi thuỳ hoặc đa thùy), nguy hiểm hơn là viêm toàn bộ phổi.

Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn thế giới. Theo số liệu của WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2 triệu trẻ em chết vì viêm phổi. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc và hơn 4.000 trẻ chết vì viêm phổi. Do vậy, nước ta được xem là một trong 15 quốc gia đối diện với hiểm họa do bệnh viêm phổi nhiều nhất thế giới.

Nguyên nhân chính gây ra viêm phổi là do vi khuẩn hoặc nấm. Các nhà khoa học đã định danh 4 loại vi khuẩn thuộc họ Acinetobacter là những vi khuẩn gram âm có thể gây ra nhiễm trùng ở nhiều bộ phận của cơ thể, thường gặp nhất trong các cơ sở y tế và chủ yếu gây ra viêm phổi. Rất đáng lo ngại là, các chủng vi khuẩn này có thể đề kháng cao với nhiều loại kháng sinh và các phác đồ điều trị vi khuẩn kháng thuốc hiện nay còn hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị viêm phổi ở cả người lớn và trẻ em.

Với các chủng vi khuẩn gây ra viêm phổi còn nhạy cảm, hiện nay các thầy thuốc lựa chọn các kháng sinh nhóm Cephalosporin phổ rộng (Ceftazidime hoặc Cefepime), Piperacillin-tazobactam, Ampicillin-sulbactam, nhóm Carbapenem (Meropenem hoặc Imipenem-cilastatin) và Fluoroquinolones (Ciprofloxacin). Đối với các chủng đã kháng thuốc, hiện nay các BV lớn cũng chỉ dùng kháng sinh nhóm Polymyxin (Polymyxin B và Colistin) và các thuốc thay thế nhóm Tetracycline (Minocycline và Tigecycline).

Xacduro là một thuốc mới điều trị bệnh viêm phổi

Mới đây, FDA (Food and Drug Administration- Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ) đã phê duyệt Xacduro là một thuốc mới cho điều trị viêm phổi BV và viêm phổi thở máy gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm là phức hợp Acinetobacter Baumannii-calcoaceticus ở bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên.
Xacduro là thuốc dạng dung dịch tiêm, thành phần hoạt chất có chứa Sulbactam (chất kháng khuẩn Beta-lactam và chất ức chế men Beta lactamase) và Durlobactam (chất ức chế men Beta lactamase). Xacduro được chỉ định điều trị viêm phổi mắc phải trong BV (Hospital-acquired bacterial pneumonia: HABP) và viêm phổi liên quan đến máy thở (Ventilator-associated bacterial pneumonia: VABP).

Sulbactam là một chất kháng khuẩn Beta-lactam và là chất ức chế Beta-lactamase serine Ambler Class A, có hoạt tính diệt khuẩn do ức chế phức hợp Acinetobacter baumannii-calcoaceticus (ABC) Penicillin gắn kết Protein PBP1 và PBP3, là những Ezym cần thiết cho tổng hợp thành tế bào của vi khuẩn. Durlobactam là một Diazabicyclooctane non-beta-lactam, chất ức chế Beta-lactamase, giúp bảo vệ Sulbactam khỏi bị phân hủy bởi một số Serine-beta-lactamase.

Durlobactam không có hoạt tính kháng khuẩn đối với các chủng ABC. Các thử nghiệm lâm sàng đã nghiên cứu cho thấy, Xacduro phối hợp với Imipenem/Cilastatin có hiệu quả trong lâm sàng tốt hơn so với sử dụng Colistin phối hợp với Imipenem/Cilastatin. Điều này cho phép các thầy thuốc có thêm sự lựa chọn để điều trị cho những ca bệnh nặng đa kháng với các thuốc kháng sinh đã bị vi khuẩn kháng thuốc.

Hiện nay, thuốc kháng sinh Xacduro chưa được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, do nó còn khá mới. Tuy nhiên, nó cũng đem lại niềm hy vọng trong thời gian tới, khi các BV lớn ở nước ta sẽ có thêm một loại vũ khí để chiến đấu với các chủng vi khuẩn gây bệnh viêm phổi, căn bệnh nguy hiểm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang còn gây nguy hại cho cộng đồng.

ThS.Lê Quốc Thịnh