Tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng CSDL quốc gia về bảo hiểm
Hiện nay, BHXH Việt Nam đang rất tích cực thông báo, lưu ý người lao động về việc cập nhật số CCCD, định danh cá nhân vào hồ sơ tham gia BHXH, BHYT. Đây là yêu cầu rất cần thiết để hoàn thiện và tối ưu hoá hệ thống CSDL quốc gia về Bảo hiểm, đem lại những lợi ích thiết thực cho cả người dân, doanh nghiệp đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT.
BHXH Việt Nam đang duy trì hoạt động Trung tâm Dữ liệu tập trung. Toàn bộ hệ thống phần mềm ứng dụng, dữ liệu đều được quản lý, vận hành tập trung tại Trung tâm dữ liệu của Ngành. Từ Trung tâm này kết nối với hơn 13.000 cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT; tính riêng năm 2024, đã có 183,6 triệu lượt KCB BHYT, số chi gần 143 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó là hơn 621.000 DN giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua Cổng Thông tin điện tử.
Cơ quan BHXH đang quản lý dữ liệu thông tin cá nhân và quá trình tham gia, thụ hưởng các chế độ của hơn 20,15 triệu người tham gia BHXH và 16,13 triệu người tham gia BH thất nghiệp, trên 95,5 triệu người tham gia BHYT (tương ứng trên 94,2% dân số cả nước). Năm 2024, tính theo số hồ sơ giải quyết cho từng người lao động, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận tổng số trên 118,58 triệu hồ sơ; trong đó, có trên 16,5 triệu hồ sơ giao dịch điện tử, chiếm tỷ lệ khoảng 90%.
Có thể thấy, nguồn dữ liệu từ công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT là rất lớn và không ngừng tăng lên. Hiện nay, BHXH Việt Nam đã kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư và CSDL quốc gia về BHXH, xác thực hơn 99,8 triệu thông tin nhân khẩu. Dữ liệu này được bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống", là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính. Từ quá trình thực hiện Đề án 06, hệ thống và nhất là dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam đã góp phần không nhỏ, đem lại các lợi ích thiết thực cho người dân.
Tiêu biểu như việc liên thông, cấp giấy khám sức khoẻ cho lái xe, cấp giấy báo tử, giấy chứng sinh từ các cơ sở KCB... BHXH Việt Nam tích cực phối hợp, hỗ trợ các Bộ, ngành liên quan triển khai: Tổ chức tập huấn cho các cơ sở KCB để triển khai có hiệu quả việc tích hợp giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại, sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, bảo đảm người dân có thể sử dụng Sổ này thay thế cho Sổ KCB bằng giấy.
Trong năm 2025, cùng với định hướng đẩy mạnh chuyển đổi số, BHXH Việt Nam tiếp tục hoàn thiện CSDL quốc gia về bảo hiểm và hệ thống CSDL chuyên ngành về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT. Chú trọng nhân rộng triển khai ứng dụng xác thực thông tin sinh trắc trên CCCD gắn chíp tại Bộ phận một cửa của cơ quan BHXH trên phạm vi toàn quốc; nghiên cứu ứng dụng CSDL quốc gia về bảo hiểm để phục vụ xây dựng sàn giao dịch việc làm. Đẩy mạnh kết nối liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu về Trung tâm dữ liệu quốc gia…
Dù vậy, hiện quá trình quản lý và khai thác dữ liệu về BHXH, BHYT cũng gặp khó khăn nhất định. Một số người đang tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT nhưng chưa xác thực được thông tin với CSDL quốc gia về dân cư; chủ yếu là nhóm người chưa được cấp CCCD hoặc định danh điện tử.
Ngoài ra, việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, chia sẻ dữ liệu cá nhân nói chung (trong đó có dữ liệu về BHXH, BHYT), gặp những khó khăn, vướng mắc do chưa thống nhất khái niệm về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Dữ liệu cá nhân được quy định ở nhiều văn bản khác nhau...
Mới đây, tại buổi làm việc của Đoàn Khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội để phục vụ thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, BHXH Việt Nam cũng đã đưa ra góp ý để khắc phục những hạn chế nêu trên. Theo đó, đề nghị tại Điều 10 bổ sung nghĩa vụ: “Thông báo kịp thời khi có thay đổi thông tin”. Bởi, khi có sự thay đổi trong dữ liệu cá nhân, chủ thể dữ liệu cần thông báo kịp thời cho tổ chức liên quan để đảm bảo dữ liệu luôn được cập nhật và chính xác.
Tại Điều 29, đề nghị bổ sung, nghiên cứu nội dung về “Xử lý dữ liệu nhạy cảm của người lao động trong quá trình thu thập, yêu cầu hồ sơ nhân sự”. Vì trong một số trường hợp, người sử dụng lao động cần thu thập dữ liệu nhạy cảm như: tình trạng sức khỏe của người lao động hoặc lý lịch tư pháp của người lao động. Các thông tin sức khỏe cá nhân chỉ nên được thu thập nếu có liên quan trực tiếp đến công việc hoặc nếu được yêu cầu theo quy định của pháp luật.
PV
- Đà Nẵng: 3 đơn vị thuộc Bộ Tài chính dẫn đầu chuyển đổi số
- TP.HCM: Vận động được thêm 1.000 người hưởng lương hưu qua tài khoản
- Thanh niên cả nước tiên phong xây dựng phong trào “Bình dân học vụ số”
- Chuyển đổi số trên tinh thần gắn với 5 "tăng tốc, bứt phá"
- Tổ Công tác của BHXH Việt Nam về triển khai Đề án 06 họp tháng 2/2025