TP.HCM: Giải đáp nhiều vấn đề “nóng” liên quan chính sách việc làm, học nghề và BHXH một lần

Chủ nhật, 10 /09/2023 13:13

Sáng 10/9, HĐND TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình “Dân hỏi-Chính quyền trả lời” tháng 9, với chủ đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm”. Tại Chương trình, nhiều vấn đề "nóng" được người dân, NLĐ, DN quan tâm liên quan chính sách lao động, học nghề và BHXH một lần đã được giải đáp...

Trong khuôn khổ Chương trình, vấn đề mất việc làm và rút BHXH một lần được nhiều NLĐ đặt ra với các cấp, ngành của thành phố. Cụ thể, theo phản ánh, trong 2 năm qua, dịch Covid-19 khiến nhiều DN không có đơn hàng, ngừng sản xuất, trong khi nhiều NLĐ giảm giờ làm, mất việc làm. Trong số đó, không ít người do quá khó khăn phải rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống. Từ thực tế này, NLĐ muốn biêt thành phố sẽ có những chính sách gì để hỗ trợ thêm cho NLĐ trong việc tìm kiếm việc làm mới và giảm rút BHXH một lần?...

Chương trình “Dân hỏi-Chính quyền trả lời” tháng 9 do HĐND TP.HCM tổ chức

Đưa ra những khuyến nghị tới NLĐ, ông Trần Dũng Hà- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, mục tiêu của việc tham gia BHXH là để có lương hưu khi hết tuổi lao động. Bởi, bản chất của BHXH chính là "của để dành" cho tương lai, nên nếu chọn rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn kinh tế trước mắt, thì khi về già sẽ không có lương hưu, dẫn tới sẽ trở thành gánh nặng cho con cháu và xã hội.

Dẫn số liệu NLĐ rút BHXH một lần trong giai đoạn 2020-2022, ông Trần Dũng Hà chỉ rõ, việc chọn rút BHXH một lần đã là thiệt thòi cho NLĐ và tình trạng NLĐ “bán non sổ BHXH” với mức bán chỉ bằng 50-60% số tiền được nhận càng khiến NLĐ thiệt thòi hơn. “Để giải quyết căn cơ, cần phải có giải pháp mang tính tổng thể và phải thực hiện đồng bộ như: Sửa đổi quy định pháp luật; giải quyết việc làm; chính sách tiền lương; đào tạo nghề; vay ưu đãi; các chính sách hỗ trợ cho NLĐ và thân nhân của họ trong thời gian mất việc…”- ông Hà nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Thành Đô- Trưởng ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ TP.HCM) cho biết, trong 2 năm dịch bệnh, tổ chức Công đoàn đã có nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ như: Túi An sinh Công đoàn; Tổ chức Tài chính CEP đã giảm lãi suất, khoanh giãn nợ cho đoàn viên Công đoàn và NLĐ. Đặc biệt, đầu năm 2023, thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ Thành phố đã tiếp nhận hỗ trợ cho hơn 7.903 NLĐ với số tiền gần 11,4 tỷ đồng.

Ông Trần Dũng Hà- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM chia sẻ tại Chương trình

“Bên cạnh đó, LĐLĐ Thành phố cùng Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) đã triển khai Đề án phòng chống “tín dụng đen” trong CNLĐ, với mục tiêu đến năm 2028 sẽ hỗ trợ cho hơn 1,4 triệu lượt CNLĐ vay với tổng doanh số đạt hơn 50.000 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2023, thành phố đã có 158.001 lượt vay với dư nợ hơn 2.725 tỷ đồng. Từ đó, hỗ trợ NLĐ, góp phần kéo giảm việc CNLĐ mất việc rút BHXH một lần”- ông Đô chia sẻ.

Bà Lê Thị Ngọc Dung- Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng chia sẻ, quận Bình Tân đã triển khai các giải pháp như: Miễn giảm thuế, cho vay vốn, kết nối thương mại để hạn chế tối đa số DN gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động. Khi nhận được thông tin DN phải cắt giảm lao động, quận tổ chức làm việc ngay, yêu cầu DN có phương án cụ thể, giải quyết đúng quy định chế độ cho NLĐ. Đồng thời, lập danh sách NLĐ bị mất việc làm, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH giới thiệu việc làm cho NLĐ có nhu cầu; đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho 1.123 người vay vốn với hơn 101 tỷ đồng từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.

“Dự kiến ngày 21/9 tới, quận Bình Tân sẽ tổ chức Sàn Giao dịch việc làm để hỗ trợ NLĐ tìm kiếm việc làm, hỗ trợ học nghề, DN ổn định sản xuất kinh doanh. Sẽ có từ 20 đến 30 DN tham gia tuyển dụng khoảng 1.500 NLĐ. Sàn Giao dịch việc làm được tổ chức tại Nhà Văn hóa-Lao động quận Bình Tân, địa chỉ 168 đường Trần Thanh Mại, khu phố 2, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân”- bà Dung thông tin.

Bà Huỳnh Lê Như Trang- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết thêm, hiện nay NLĐ đang làm việc trong các DN nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học. NLĐ khác thuộc các đối tượng chính sách (phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo...) sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất 6 triệu đồng/người/khóa học dành cho người khuyết tật và thấp nhất là 2 triệu đồng/người/khóa học dành cho phụ nữ, lao động nông thôn.

“Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiến hành nâng cấp Cổng Thông tin điện tử giáo dục nghề nghiệp để bổ sung tính năng gắn kết cung-cầu lao động sau tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp. DN có thể gửi thông tin nhu cầu tuyển dụng và tra cứu thông tin nguồn nhân lực sau đào tạo ở các lĩnh vực, từ đó có thể tìm kiếm, tuyển dụng được nhân sự đáp ứng nhu cầu của đơn vị”- bà Trang cho biết thêm.

Phạm Thọ