TP.HCM: Phạt nhiều nhà thuốc vì bán thuốc kê đơn sai quy định
Hàng loạt nhà thuốc và DN sản xuất dược, mỹ phẩm trên địa bàn TP.HCM đã bị cơ quan chức năng xử phạt trong tháng 1/2024. Trong đó, rất nhiều nhà thuốc bị phạt vì bán thuốc kê đơn sai quy định.
Thuốc kê đơn cần được sử dụng đúng liều lượng do bác sĩ đề xuất trong toa thuốc sau khi thăm khám. Điều này rất quan trọng, vì thuốc kê đơn nếu không sử dụng đúng cách, có thể gây ra các tác dụng phụ và không đạt được mục tiêu chữa bệnh ban đầu. Vì vậy, theo quy định hiện hành, các loại thuốc thuộc danh mục thuốc kê đơn khi bán đòi hỏi người mua phải có toa thuốc của bác sĩ. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải nhà thuốc nào cũng tuân thủ quy định này.
Một trong những nhà thuốc bị phạt vì bán thuốc kê đơn cho người mua không toa
Trong tháng 1/2024, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xử phạt 8 nhà thuốc vi phạm các quy định hiện hành. Trong đó, có 5 nhà thuốc vi phạm quy định về bán thuốc kê đơn: Hoa Tâm (quận Bình Tân), Á Châu 3 (TP.Thủ Đức), Pharmacity 37 (quận 3), An Khang Pharma (quận 1), Long Châu 151 (quận 3). Mỗi nhà thuốc vi phạm quy định bán thuốc kê đơn khi người mua không toa thuốc bị phạt 30 triệu đồng.
3 nhà thuốc còn lại gồm: Mỹ Phước (TP.Thủ Đức), Nhà thuốc 27 (quận 5), Lữ Gia (quận Tân Bình) lại vi phạm các quy định khác như: Không thực hiện báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất hoặc báo cáo theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc; lưu trữ và bán lẻ thuốc không đúng với phạm vi ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; bảo quản thuốc không đúng điều kiện nhiệt độ bảo quản ghi trên nhãn thuốc; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Đối với các DN sản xuất dược, mỹ phẩm bị xử phạt trong tháng 1/2024, có không ít lỗi vi phạm khiến người tiêu dùng phải giật mình. Cụ thể, DN sản xuất mỹ phẩm Dạ Thảo Lan (quận Gò Vấp) có các vi phạm như: Sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm (nhãn sản phẩm mỹ phẩm CONDITIONER nhãn hàng INTASILK ghi thiếu thành phần "Collagen" so với Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cấp...
Trong khi đó, DN xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam (quận Tân Bình) thì vi phạm: Thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc...
Còn DN sản xuất dược, mỹ phẩm Hataphaco (quận Tân Phú) thì làm liều “sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất...”. Vi phạm này khiến Hataphaco bị phạt 90 triệu đồng đính kèm “đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật, nhưng không quá 24 tháng”.
Với DN sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm Lê Vân (huyện Bình Chánh), hàng loạt vi phạm đã khiến mức xử phạt lên tới 200 triệu đồng. Cụ thể: Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật; kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc.
DN sản xuất dược, mỹ phẩm Nhật Hàn (quận Bình Tân) “sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng (sản phẩm mỹ phẩm BAMOO CLEANSING FOAM COLLAGEN- tuýp 150ml; số lô: 01; NSX: 03062022; HSD: 03062025- không đáp ứng yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm); DN SXTM Ngọc Khải (quận Bình Tân) vi phạm “kinh doanh mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng...”.
DN Thịnh Phát (huyện Bình Chánh) vi phạm “sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa”...
Thanh Giang
- Kỹ năng bảo vệ trước các hình thức lừa đảo trực tuyến
- Công điện về tăng cường phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
- Kỹ năng phát hiện các hình thức lừa đảo trực tuyến
- Người tham gia BHYT luôn được đảm bảo thuận tiện và đầy đủ quyền lợi
- Diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin của ngành BHXH Việt Nam: Nâng cao khả năng phòng thủ qua góc nhìn kẻ tấn công