Trung Quốc: Nghệ thuật múa lân- sư- rồng truyền thống đã chào đón nghệ sĩ biểu diễn nữ

Thứ Ba, 04 /02/2025 12:38

Kết hợp giữa nhào lộn, võ thuật và sân khấu, nghệ thuật múa lân- sư- rồng được cho là mang lại sự thịnh vượng và xua đuổi tà ma, thường biểu diễn trong những dịp quan trọng tại Trung Quốc và trên toàn thế giới.

“Nhấc” đồng đội là nam của mình lên không trung, nữ nghệ sĩ biểu diễn Lâm Hân Minh thuần thục thực hiện kỹ thuật múa lân- sư- rồng truyền thống- sự hiện diện của cô ở bộ môn nghệ thuật “nhiều thế kỷ nay chỉ chú trọng đào tạo nam nghệ sĩ” này là minh chứng cho đổi mới về mặt tư tưởng.

Các nghệ sĩ biểu diễn nữ luyện tập tại một ngôi chùa ở Sán Đầu (Trung Quốc)

Kết hợp giữa nhào lộn, võ thuật và sân khấu, nghệ thuật múa lân- sư- rồng được cho là mang lại sự thịnh vượng và xua đuổi tà ma, thường biểu diễn trong những dịp quan trọng như Tết Nguyên đán, đám cưới, lễ khai trương doanh nghiệp, nhà hàng… tại Trung Quốc và trên toàn thế giới. “Khi còn nhỏ, tôi tình cờ bắt gặp một đoàn múa lân- sư- rồng truyền thống trên phố. Sự kiên trì của các nghệ sĩ biểu diễn, cũng như khả năng thực hiện những động tác tinh xảo của họ gây ấn tượng sâu sắc với tôi. Tôi cũng muốn được như họ”- Lâm Hân Minh, 18 tuổi, chia sẻ.

Bên trong sân của một ngôi chùa ở thành phố Sán Đầu, miền Nam Trung Quốc, Linh Đông, đoàn lân- sư- rồng của Lâm Hân Minh, đang tập luyện. Với bộ trang phục gồm một chiếc đầu sư tử lớn đầy màu sắc và một tấm vải dài lụa tượng trưng cho phần thân, các nghệ sĩ phối hợp nhịp nhàng để thổi hồn vào “con vật”. Động tác nào cũng có thể gây khó khăn và chấn thương cho các nghệ sĩ, nhất là khi một người biểu diễn thường phải “nhấc” người kia lên bằng bộ phận eo để mô phỏng cảnh “con vật” nhảy bằng hai chân sau. Sự tiêu tốn về mặt thể chất đó, cùng với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ăn sâu, khiến phái nữ gần như đứng bên lề bộ môn nghệ thuật truyền thống lân- sư- rồng trong nhiều thế kỷ.

Lâm Hân Minh (ở giữa), đang “nhấc” một đồng đội nam trong buổi tập luyện tại một ngôi chùa ở Sán Đầu (Trung Quốc)

Tuy nhiên, anh Lâm Lợi Khôn, huấn luyện viên 31 tuổi của đoàn Linh Đông, cho biết: Những năm gần đây, nhất là Tết Nguyên đán năm nay, sự hiện diện của phái nữ khiến lân- sư- rồng trở nên "thú vị" hơn; thêm vào đó, nhiều người có thể tiếp cận "di sản phi vật thể” này hơn: “Chúng tôi không ngừng tìm kiếm những cách thức khác nhau nhằm thổi luồng sinh khí mới vào nghệ thuật truyền thống lân- sư- rồng. Việc này cũng phản ánh nguyện vọng chính đáng của phái nữ, nhiều người vẫn muốn có cơ hội thử sức, ngay cả khi có nguy cơ phải bỏ cuộc vì đòi hỏi khắt khe về thể lực”.

Anh Lâm Lợi Khôn cho biết thêm, đoàn Linh Đông có khoảng 80 thành viên, tuổi từ 13 đến 33, hầu hết là HSSV; khoảng 20 người trong số họ là phái nữ. “Sự hiện diện của phái nữ, đặc biệt là những cô gái trẻ, nhận được phản hồi chủ yếu là tích cực. Tuy nhiên, vẫn có một số phản ứng tiêu cực, thậm chí là chế giễu. Một số người cao tuổi cho rằng phái nữ nên ở nhà và làm việc nhà nhưng thế hệ chúng tôi lại có quan điểm khác. Chúng tôi tin vào sự bình đẳng giữa nam và nữ”.

Lâm Hân Minh đang nâng tạ trong buổi tập luyện của đoàn Linh Đông tại Sán Đầu (Trung Quốc)

Ngày càng nhiều phái nữ Trung Quốc từ chối hoặc trì hoãn những nghĩa vụ truyền thống cứng nhắc mà xa xưa áp đặt, đó là phải kết hôn và sinh con sớm. Thành tựu của phái nữ ngày nay, chẳng hạn tay vợt Trịnh Khâm Văn- người viết lên lịch sử môn quần vợt châu Á vì cô là người châu Á đầu tiên giành HCV nội dung đơn nữ tại Thế Vận hội Olympic Paris 2024 hay sự thành công vang dội của bộ phim điện ảnh Hảo Đông Tây (Her Story)- với nội dung đề cập đến vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội đương đại, đã đem đến sự thay đổi về mặt tư tưởng.

“Không ít người vẫn nói rằng, phái nữ không thể tham gia bộ môn lân- sư- rồng, song đó là niềm đam mê của tôi”- Lâm Hân Minh chia sẻ- “Tôi phải tự mình thực hiện ước mơ, vượt qua chính mình, để chứng minh rằng phái nữ không phải lúc nào cũng thua kém phái nam. Chạy bộ, tập squat và tập tạ chăm chỉ là cách để tôi chuẩn bị về mặt thể lực. Sự tham gia của phái nữ trong bộ môn này, theo tôi, là sự kết hợp sức mạnh nam tính và nét duyên dáng nữ tính”.

Một thành viên nữ khác trong đoàn Linh Đông, Đồng Cát Đan, có 45.000 người theo dõi trên mạng xã hội Douyin- phiên bản TikTok của Trung Quốc, cho biết, cô thường xuyên chia sẻ nội dung về bộ môn lân- sư- rồng lên trang cá nhân: “Tôi hy vọng có thể khuyến khích nhiều phái nữ tham gia múa lân- sư- rồng, để góp phần gìn giữ và lan tỏa “di sản phi vật thể” này”.

Dự án tiếp theo của anh Lâm Lợi Khôn là làm sao để đoàn Linh Đông có số lượng thành viên nữ bằng số lượng thành viên nam. Sau đó, anh sẽ cố gắng thành lập một đoàn riêng toàn thành viên nữ, dù nhận thức được đây là “một mục tiêu xa vời khi xét đến những khó khăn, thách thức vẫn còn tồn tại”: “Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu làm được, sẽ chứng minh rằng, phái nữ có năng lực không thua kém phái nam, cho dù là trong bộ môn lân- sư- rồng hay trong cuộc sống hàng ngày”.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)