Tỷ lệ hộ nghèo giảm vượt mục tiêu đề ra

Thứ Hai, 21 /07/2025 18:54

Hầu hết chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhiều hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa được cải thiện đáng kể về kinh tế...

Trong giai đoạn 2021-2025, dù có nhiều thiên tai và biến động kinh tế toàn cầu tác động vào Việt Nam, nhưng việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 3/2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm xuống còn 1,93%, giảm mạnh so với mức 5,2% đầu giai đoạn. Tính ra, tốc độ giảm bình quân trên 1,6% mỗi năm, vượt mục tiêu giảm từ 1-1,5%/năm mà Quốc hội đặt ra.

Theo ông Võ Văn Hưng- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo đến cuối năm 2024 giảm còn khoảng 25%, từ mức gần 45% đầu kỳ. Như vậy, tại các huyện nghèo, nơi từng được coi là “điểm nóng” về thiếu việc làm, thiếu sinh kế và hạ tầng yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo cũng đã giảm xuống rất mạnh so với mức trên 50% của nhiều năm trước. Tại các huyện này, hơn 5.200 hộ dân vươn lên thoát nghèo và gần 262.000 công trình hạ tầng nông thôn được hoàn thành. “Nhìn chung, đây là dấu hiệu cho thấy chính sách “khoanh vùng- đầu tư tập trung- hỗ trợ linh hoạt” đang phát huy hiệu quả. Về tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm chịu thiệt thòi nhất, cũng đã giảm còn 12,55%, ghi nhận mức giảm bình quân 3% mỗi năm”- ông Hưng khẳng định.

Một chỉ số đáng chú ý khác là số lượng tuyệt đối các hộ nghèo và cận nghèo trong cả nước đã giảm đáng kể. Nếu đầu giai đoạn 2021-2025, cả nước có hơn 2,6 triệu hộ nghèo và cận nghèo, thì đến thời điểm hiện tại giảm còn khoảng 1,25 triệu hộ, tương đương giảm 52,49%. Kết quả này cho thấy cách tiếp cận đa chiều và có địa chỉ cụ thể trong hỗ trợ giảm nghèo đã phát huy tác dụng; các địa phương không còn chạy theo thành tích “xóa nghèo giấy”, mà tập trung vào tăng sinh kế, cải thiện dịch vụ xã hội cơ bản và ổn định đời sống lâu dài cho người dân.

Cũng theo ông Võ Văn Hưng, giảm nghèo không chỉ là mục tiêu kinh tế, mà còn là trách nhiệm nhân đạo và xã hội. Đặc biệt, Chương trình Mục tiêu quốc gia với chính sách từ “hỗ trợ cho ăn” chuyển sang “giúp cần câu” cho hộ nghèo đã hỗ trợ triển khai trên 10.500 mô hình sinh kế tại cộng đồng, gần 134.000 lao động nghèo và cận nghèo đã được tư vấn, kết nối việc làm. Nhiều địa phương đã gắn việc hỗ trợ đào tạo nghề với nhu cầu thực tế của thị trường lao động tại chỗ và xuất khẩu lao động. Các mô hình hỗ trợ chăn nuôi, làm nông nghiệp hữu cơ và đào tạo kỹ năng nghề, khởi sự doanh nghiệp không chỉ cải thiện thu nhập, mà còn giúp người dân thoát nghèo một cách tự chủ và bền vững.

Ngoài ra, Chương trình Giảm nghèo bền vững còn đầu tư mạnh vào hạ tầng thiết yếu cho vùng nghèo với hơn 2.600 công trình hạ tầng được xây dựng hoặc cải tạo như: Đường giao thông nông thôn, điện, nước sạch, trường học và trạm y tế. Cùng với đó, khoảng 90.000 căn nhà cho hộ nghèo tại các huyện nghèo đã được xây mới hoặc sửa chữa, giúp ổn định nơi ở và tạo nền tảng để người dân yên tâm phát triển sinh kế.

So với giai đoạn trước, quy mô và chất lượng đầu tư hạ tầng trong giai đoạn này được đánh giá đồng bộ hơn và bám sát nhu cầu thực tế, thay vì trải rộng và kém hiệu quả. Với việc cải thiện dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe nhóm nghèo, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai, đã có tác động cải thiện chỉ số nghèo đa chiều (liên quan y tế, dinh dưỡng, giáo dục) trong dài hạn.

Các kết quả trên cho thấy hiệu quả thực thi Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn này có nhiều tiến bộ hơn so với giai đoạn trước. Có được điều này là nhờ vào 4 yếu tố như: Cách xác định nghèo- nhờ cách tiếp cận đa chiều và tích hợp về nghèo, nên từ đó tìm sinh kế giảm nghèo bền vững phù hợp; áp dụng công nghệ số và điều tra hộ nghèo điện tử để minh bạch hóa tiêu chí, đối tượng giảm nghèo; giảm sự phụ thuộc vào hỗ trợ tiền mặt đơn thuần, thay vào đó là hỗ trợ có điều kiện, gắn với cam kết vươn lên của người dân; các mô hình hỗ trợ sinh kế mang tính dài hạn thực sự đóng vai trò, làm giảm mạnh tỷ lệ tái nghèo.

“Với những kết quả đó, hy vọng đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc có thể giảm xuống còn dưới 1,5%, vượt chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra”- ông Võ Văn Hưng nhấn mạnh.

Nguyệt Hà