Vận hành CSDL điện tử: Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý

Thứ Sáu, 25 /03/2022 09:58

Để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các cá nhân, tổ chức tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, ngành BHXH Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các quy trình nghiệp vụ. Việc đề xuất các giải pháp vận hành cơ sở dữ liệu (CSDL) điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước là rất cần thiết.

Xu thế tất yếu

Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển Chính phủ số lấy dữ liệu làm trung tâm, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và chủ quyền số quốc gia với mục tiêu chuyển đổi toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số. Cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu và các công nghệ số để ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, tạo nền tảng và dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.

Xây dựng CSDL điện tử là xu thế tất yếu

Đặc biệt, đề cao yếu tố lấy người dân và DN làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và DN vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Giảm bớt TTHC, thay đổi nhận thức từ nền hành chính công “một cửa cố định” đến “một cửa bất kỳ”, cung cấp thêm các dịch vụ tiện ích số mang lại giá trị gia tăng cho mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, thân thiện, dễ dàng sử dụng. Hình thành văn hoá số, người dân có thói quen sử dụng dịch vụ số.

Nhờ những nỗ lực mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, đến các bộ, ngành, cơ quan, theo đánh giá của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2020 đã tăng 13 bậc (từ xếp hạng thứ 99 lên xếp hạng thứ 86, trong 193 quốc gia).

CNTT giữ vai trò then chốt

Trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động ứng dụng CNTT, hình thành nhiều CSDL (CSDL) điện tử tương ứng phục vụ hoạt động nghiệp vụ về quản lý BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. CSDL của Ngành BHXH Việt Nam được đánh giá là một trong những CSDL lớn nhất, hoàn thiện nhất, kết nối, chia sẻ rộng và được sử dụng hiệu quả trong khối các cơ quan nhà nước.

BHXH các địa phương thực hiện cấp gia hạn thẻ BHYT trên CSDL điện tử 

Tính đến hết tháng 5/2021, CSDL của BHXH Việt Nam quản lý 15,047 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 1,127 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; 13,308 triệu người tham gia BHXH thất nghiệp; 87,772 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,92% dân số. Trung bình hàng năm quản lý khoảng 167 triệu lượt KCB BHYT; 47 triệu hồ sơ giao dịch điện tử.

Đề án “Giải pháp hoàn thiện việc xây dựng và vận hành CSDL điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước” do Trung tâm CNTT chủ trì thực hiện. Chủ nhiệm Đề án là ông Lê Nguyên Bồng- Giám đốc Trung tâm, cùng 9 thành viên tham gia xây dựng nội dung các chuyên đề.

Tuy dữ liệu của ngành đã phong phú và bao phủ hầu hết các mảng chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện về kết nối liên thông dữ liệu giữa các hệ thống, cần rà soát tổng thể và chuẩn hóa, các danh mục/CSDL dùng chung để đảm bảo thông tin là duy nhất, tránh trùng lặp, thiếu sự thống nhất, đồng thời phù hợp với các mã/danh mục dùng chung quốc gia...

Hiện nay ngành BHXH Việt Nam mở rộng việc tùy biến các báo cáo động, các báo cáo theo nhiều chiều tiêu chí dữ liệu, đặc biệt là các loại báo cáo có tính dự báo rủi ro và các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực BHXH quản lý. Hệ thống CSDL của Ngành cũng đang phải đối mặt với thách thức tốc độ tăng trưởng dữ liệu rất lớn hàng năm.

Thực trạng này đòi hỏi ngành BHXH Việt Nam cần phải tiếp tục nâng cấp hệ thống kho dữ liệu, hướng đến xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu lớn (Big data) sử dụng các công nghệ, kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Kho dữ liệu cần mở rộng việc tổ chức thông tin từ các CSDL điện tử về quản lý bảo hiểm theo nhiều chiều cũng như thống kê dữ liệu theo nhiều loại chỉ tiêu.

Việc hoàn thiện CSDL điện tử chuyên ngành về quản lý BHXH còn góp phần tạo ra nền tảng dữ liệu quan trọng giúp Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử, chính phủ số về xây dựng CSDL quốc gia về Bảo hiểm theo Quyết định số 1939/QĐ-TTg. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử trong đó các tổ chức cung cấp định danh điện tử và thông tin định danh điện tử gốc là các tổ chức tạo lập thông tin định danh gốc của người dân và DN gồm các bộ CSDL gốc của 4 bộ, ngành: Bộ Công an, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam. Vì vậy, việc hoàn thiện xây dựng CSDL điện tử về quản lý BHXH là cấp bách phục vụ yêu cầu nghiệp vụ trong Ngành và đáp ứng yêu cầu là một trong những CSDL quốc gia của Chính phủ.

Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) đang được giao thực hiện đề án “Giải pháp hoàn thiện việc xây dựng và vận hành CSDL điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước” với phạm vi nghiên cứu từ năm 2020- 2021.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Các hệ thống thông tin của ngành BHXH được điều hành, đảm bảo an toàn thông tin bởi Trung tâm điều hành an toàn, anh ninh mạng SOC với 4 lớp bảo vệ: Lực lượng tại chỗ (theo dõi, giám sát trạng thái liên tục của toàn bộ hệ thống đồng thời phát hiện, ghi nhận, xử lý sự cố); lực lượng giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp (giám sát trực tiếp, liên tục và chuyên sâu các hệ thống thông tin đồng thời trực tiếp giải quyết các sự cố xảy ra); kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin chuyên nghiệp; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia: Tiếp nhận các cảnh báo các nguy cơ mất an toàn thông tin và chia sẻ các thông tin về hoạt động tấn công nhắm vào hệ thống.

CSDL điện tử giúp người dân dễ dàng đăng ký KCB BHYT bằng ứng dụng VssID 

Trên cơ sở thực trạng và đánh giá ưu, nhược điểm của hệ thống hạ tầng, an toàn thông tin, có thể thấy kiến trúc an ninh bảo mật của BHXH Việt Nam là tương đối toàn diện. Tuy nhiên, CSDL là thành phần rất quan trọng. Bên cạnh việc lưu giữ thông tin, CSDL còn góp phần quan trọng trong việc phân tích và định hướng các chính sách phát triển. Vì vậy, việc bảo mật CSDL trước những rủi ro, xâm nhập, mất thông tin là đặc biệt quan trọng.

Nhóm nghiên cứu đề xuất cần đẩy mạnh triển khai toàn diện các giải pháp về công nghệ: Mã hóa và che giấu dữ liệu; quản lý khóa mã hóa tập trung; kiểm soát truy cập… Trong giai đoạn 2021-2025, cần sớm xây dựng Quy chế quản lý định danh và truy cập tập trung ngành BHXH; xây dựng, ban hành quy định về tiếp nhận, số hóa, lưu trữ và xử lý hồ sơ, văn bản điện tử đúng pháp luật hiện hành về văn thư lưu trữ và chữ ký số; xây dựng, ban hành danh mục CSDL chuyên ngành BHXH Việt Nam.

Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện hệ thống mã hóa định danh, quản lý danh mục điện tử dùng chung; xây dựng, ban hành các văn bản quy định về các chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hướng dẫn xây dựng, quản lý, trao đổi nghiệp vụ, thông tin, dữ liệu nội bộ ngành BHXH Việt Nam và giữa BHXH Việt Nam với các bộ, ngành, địa phương khác; hoàn thiện các hệ thống nền tảng phục vụ việc trao đổi dữ liệu liên thông các hệ thống trong nội bộ ngành và kết nối chia sẻ dữ liệu với các Bộ, Ngành, tổ chức có liên quan.

Song song với đó, mở rộng phạm vi áp dụng các hệ thống thông tin và CSDL được chia sẻ, tích hợp thông qua hệ thống LGSP, cung cấp tối đa dịch vụ kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP); duy trì, nâng cấp và mở rộng Trung tâm dữ liệu ngành BHXH Việt Nam (DC), Trung tâm dữ liệu dự phòng ngành BHXH Việt Nam (DRC) đảm bảo sự đáp ứng đầy đủ, kịp thời và ổn định các hệ thống CNTT của ngành; hoàn thiện trung tâm dữ liệu dự phòng nhằm đảm bảo khả năng dự phòng đáp ứng năng lực xử lý từ 50-70% so với năng lực của trung tâm dữ liệu chính.

Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh ngành BHXH Việt Nam (IOC)- là nơi tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của ngành trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, giúp lãnh đạo các cấp có khả năng giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ do Ngành cung cấp một cách tổng thể thông qua giám sát và phân tích liên tục hoạt động dữ liệu; tiếp tục hoàn thiện Kho dữ liệu điện tử dùng chung, phản ánh đầy đủ các nhóm dữ liệu chính (bao gồm nhưng không giới hạn): Dữ liệu tham chiếu gốc (master data), dữ liệu giao dịch hay dữ liệu tương tác (transaction hay interaction data), dữ liệu có tính chất kỹ thuật thuần tuý (technical data).

Nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống cổng thông tin điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống tương tác đa phương tiện, các phần mềm xử lý nghiệp vụ chuyên ngành để đảm bảo phù hợp với hoạt động tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ của ngành cũng như phục vụ triển khai, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đủ điều kiện) trong giai đoạn 2020-2021; xây dựng, hoàn thiện các công cụ phân tích dữ liệu đa chiều trực quan hóa, báo cáo, tổng hợp, thống kê, các báo cáo động phục vụ chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định hoặc đề xuất thay đổi chính sách; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện triển khai đầu tư xây dựng CSDL Tri thức Việt số hóa; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức phục vụ quản lý, khai thác, vận hành CSDL quốc gia về bảo hiểm; nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin kỹ năng số, phân tích dữ liệu, xử lý dữ liệu và an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành, quản trị sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống ứng dụng CNTT…

Ngọc Anh