WHO cảnh báo tình hình y tế nghiêm trọng ở Bắc Gaza
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa lên tiếng cảnh báo về thảm họa ở phía bắc Dải Gaza nơi "các hoạt động quân sự đang diễn ra xung quanh và ngay trong chính các cơ sở y tế tại đây".
Trên mạng xã hội X, người đứng đầu WHO bày tỏ quan ngại và nói rằng tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung trang thiết bị y tế cần thiết và hạn chế trong tiếp cận điều trị bệnh đang tước đoạt quyền được chăm sóc y tế của người dân địa phương.
"Tình trạng ở phía bắc Gaza thật thảm họa", ông Tedros chia sẻ. Một trong những bệnh viện được Tổng giám đốc WHO phản ánh là Kamal Adwan, nơi đang điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân. Việc Israel tấn công cơ sở y tế cuối cùng còn hoạt động ở phía Bắc Gaza này càng đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về nhân lực y tế trong bối cảnh gần 200 bệnh nhân đang cần điều trị khẩn cấp, chưa kể cơ sở vật chất và vật tư y tế của bệnh viện đã bị hư hỏng hoặc phá hủy.
Phía Israel công nhận họ có hoạt động xung quanh bệnh viện Kamal Adwan nhưng hoàn toàn "không biết gì về việc bắn súng và các cuộc tấn công khác trong bệnh viện".
Theo Cơ quan y tế tại Dải Gaza, cuộc đột kích vào bệnh viện đã khiến 2 trẻ em thiệt mạng. Sau sự việc trên, WHO cũng thông báo có 3 nhân viên y tế và một nhân viên khác bị thương, trong khi hàng chục nhân viên đang bị giam giữ trong cơ sở y tế này.
"Sau khi 44 nhân viên y tế nam bị bắt giữ, chỉ còn lại nhân viên nữ, một bác sĩ nam và giám đốc bệnh viện phải chăm sóc cho gần 200 bệnh nhân còn lại. Báo cáo cho hay cơ sở vật chất và thiết bị y tế của bệnh viện đều bị hư hỏng hoặc bị phá hủy hoàn toàn", ông Tedros nói.
"WHO cực kỳ quan ngại và muốn nhấn mạnh lại một lần nữa rằng các bệnh viện phải được bảo vệ khỏi những cuộc xung đột trong mọi hoàn cảnh", Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh, đồng thời cáo buộc "mọi cuộc tấn công vào cơ sở y tế đều là vi phạm luật nhân đạo quốc tế".
"Con đường duy nhất để bảo vệ những gì còn sót lại của hệ thống chăm sóc sức khỏe đang sụp đổ ở Gaza là ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện", ông nói.
Mới đây, Joyce Msuya - quan chức cấp cao của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) - cũng cảnh báo rằng "toàn bộ dân số Bắc Gaza đang đối diện nguy cơ tử vong".
"Các bệnh viện đã bị tấn công và nhân viên y tế bị bắt giữ. Các nơi trú ẩn đã bị phá hủy và bị đốt cháy", bà Joyce phản ánh, nhấn mạnh tác động đáng báo động của cuộc tấn công mà Israel thực hiện đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và an toàn dân sự. "Cộng đồng quốc tế cần có hành động ngay lập tức để chấm dứt bạo lực và đảm bảo bảo vệ người dân trong khu vực".
Xung đột ở Dải Gaza bùng phát sau khi nhóm vũ trang Hamas tấn công miền nam Israel ngày 7/10/2023, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và bắt cóc 251 người. Sau nỗ lực đàm phán ngừng bắn giải cứu con tin cuối năm ngoái, hiện ước tính còn gần 100 con tin bị giữ ở Dải Gaza, trong đó nhiều người được cho là đã chết.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 22/10 của cơ quan y tế tại Dải Gaza, cuộc xung đột này đã khiến khoảng 43.000 người Palestine, phần lớn là dân thường, thiệt mạng và hầu hết trong số 2,3 triệu cư dân tại vùng lãnh thổ này phải di dời, trong khi phần lớn cơ sở hạ tầng nơi này bị phá hủy.
Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine (PRCS) cho biết, trong 12 tháng qua, 90% trẻ em ở vùng lãnh thổ Palestine phải chịu cảnh nghèo đói. Từ đầu tháng 10, không có chuyến hàng viện trợ lương thực nào được chuyển đến Bắc Gaza.
Ngọc Tuấn
- Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh
- Đài Loan: Nới lỏng quy định Chương trình INTENSE nhằm thu hút sinh viên Việt Nam, Indonesia, Philippines
- Thái Lan phát tiền cho người cao tuổi dịp Tết Nguyên đán
- UNICEF cảnh báo 3 yếu tố đe dọa tương lai trẻ em
- Các quốc gia OECD có nhu cầu lớn về lao động nước ngoài