Xây dựng chính sách hỗ trợ lao động chuyển đổi nghề nghiệp

Thứ Hai, 29 /04/2024 16:03

Để bảo đảm việc làm bền vững cho NLĐ, trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với NLĐ thuộc khu vực nông thôn.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thực trạng và xu hướng thị trường lao động Việt Nam đang đặt ra những yêu cầu mới về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm. Trong khi đó, cả nước có gần 78% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn- nơi có nhiều làng nghề truyền thống, các hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác không qua đào tạo hoặc không có chứng chỉ công nhận trình độ kỹ năng nghề; 40,9% lao động phi chính thức làm việc trong 3 nhóm ngành công nghiệp gồm: Chế biến, chế tạo, xây dựng; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy. Lao động phi chính thức có cả trong khu vực chính thức (6 triệu lao động), hầu hết lao động phi chính thức không được tham gia BHXH (97%)...

Từ thực tế trên, việc sửa đổi Luật Việc làm theo hướng bổ sung các quy định mang tính khung, tính định hướng để làm cơ sở thúc đẩy chính thức hóa việc làm trong khu vực phi chính thức, nâng cao năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc của khu vực kinh tế phi chính thức. Đặc biệt, xây dựng Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; phù hợp các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Đồng thời, góp phần hỗ trợ lao động khu vực nông thôn tham gia chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm được hưởng các chế độ như: Hỗ trợ đào tạo nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo quy định.

Ngoài ra, Dự thảo cũng nêu rõ, NLĐ ở khu vực nông thôn đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề theo quy định. Cùng với việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, sẽ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho NLĐ khu vực nông thôn. Trong đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng việc làm tại chỗ cho NLĐ ở khu vực nông thôn thông qua các hoạt động: Vay vốn tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo quy định; hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm; miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Đáng chú ý, trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất quy định về cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Cụ thể: Đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm gồm: DN nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; NLĐ.

Cùng với chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm ở trong nước, Nhà nước cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho NLĐ có nhu cầu và khả năng đi làm việc ở nước ngoài gồm: NLĐ là người DTTS; người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; người thuộc hoặc hộ có đất thu hồi; thân nhân của người có công với cách mạng; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế quốc phòng; lao động thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài sẽ được Nhà nước hỗ trợ.

Nguyệt Hà