Xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam
Chiều 9/3, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh- Chủ tịch Hội đồng tư vấn, tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2022 chủ trì họp về việc xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam, do Trung tâm CNTT đăng ký chủ trì thực hiện.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, là nhiệm vụ mới, nhưng “nóng” của Ngành. Trong những năm qua, chuyển đổi số đã từng bước được triển khai và đạt được những kết quả tích cực. Việc xây dựng Đề án này sẽ góp phần tổ chức các hoạt động chuyển đổi số của Ngành được toàn diện, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.
Ông Chu Mạnh Sinh- Phó Tổng Giám đốc, Chủ nhiệm Đề án cho biết: Trong năm 2021-2022, thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc- Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam đã tích cực xây dựng các tiểu đề án cho từng đơn vị. Tuy nhiên, cần phải kết nối các tiểu đề án này thành đề án cho toàn Ngành, vì Ban Chủ nhiệm đã xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam”.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Ban Chủ nhiệm Đề án cho biết, căn cứ nhiệm vụ được giao, Trung tâm CNTT được giao chủ trì thực hiện Đề án Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam. Đây là nhiệm vụ quan trọng, kết quả nghiên cứu của Đề án sẽ là cơ sở để Trung tâm CNTT và các đơn vị tham mưu cho Tổng Giám đốc tổ chức triển khai các hoạt động chuyển đổi số của Ngành được toàn diện, thống nhất, đồng bộ, đảm bảo hiệu quả, tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí.
Từ thực tiễn ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Ngành và các kinh nghiệm trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu đã xây dựng nội dung và các hoạt động nghiên cứu của Đề án. Trong đó, dự kiến gồm 22 chuyên đề như: Một số vấn đề chung, bối cảnh về chuyển đổi số quốc tế và Việt Nam; hiện trạng ứng dụng CNTT và kết quả bước đầu chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam; xác định mục tiêu, tầm nhìn, quan điểm chỉ đạo về chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam.
Dự kiến Đề án được thực hiện trong một năm, kể từ khi thuyết minh được phê duyệt. Kết quả nghiên cứu của Đề án sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng và ban hành Chương trình chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đảm bảo phù hợp với lý thuyết, quy định của pháp luật về chuyển đổi số và thực trạng CNTT, chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam.
“Nghiên cứu cũng là một bước rà soát thực trạng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam; đồng thời giúp cho các thành viên tham gia nghiên cứu nâng cao năng lực nghiên cứu, rõ hơn về trách nhiệm trong việc tham gia, triển khai các hoạt động chuyển đổi số của Ngành”- đại diện Ban Chủ nhiệm cho biết.
Đánh giá cao tính cấp thiết của việc xây dựng Đề án, các thành viên Hội đồng thống nhất, chuyển đổi số là lĩnh vực quan trọng, đặc biệt đối với ngành BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, để Đề án được thực hiện hiệu quả, thành viên Hội đồng cũng gợi mở, góp ý một số nội dung như: Đề án cần xây dựng các mục tiêu, giải pháp cụ thể; chỉ ra được thực trạng chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số; tổ chức thực hiện, lãnh đạo quản lý, ứng dụng công nghệ mới, tiết kiệm thời gian chi phí cho toàn Ngành...
Nhất trí với ý kiến của các thành viên Hội đồng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định: Đề án được thuyết minh cụ thể, có tính thực tiễn cao. Tổng Giám đốc đề nghị, trên cơ sở những ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng, Ban Chủ nhiệm Đề án tiếp thu, hoàn thiện đề cương, trong đó cần nêu bật được sự cần thiết, tính thống nhất trong nghiên cứu Đề án. Cùng với đó, phải nêu được mục tiêu cụ thể, lộ trình thực hiện, gắn với các sản phẩm của Đề án.
“Mặc dù là nghiên cứu khoa học, nhưng khi Đề án được phê duyệt phải góp phần vào hoàn thiện Đề án tổng thể chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam. Từ đó, đưa ra được các đề xuất, kiến nghị, xây dựng chiến lược nhưng phải có tính dự báo và tầm nhìn đảm bảo phù hợp với lý thuyết, quy định của pháp luật về chuyển đổi số và thực trạng CNTT, chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam”- Tổng Giám đốc lưu ý.
T.Hà
- Giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện vùng Tây Bắc
- Giới thiệu sách Trạm Y tế xã
- Hoàn thiện chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn
- Đánh giá tác động của việc Việt Nam tham gia Công ước số 102 về an sinh xã hội
- Thực hiện Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và những khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành BHXH Việt Nam