Xu hướng trẻ hóa bệnh đột quỵ: Hồi chuông cảnh báo

Thứ Tư, 14 /05/2025 14:18

Theo nhiều nghiên cứu và cảnh báo từ giới chuyên môn, độ tuổi trung bình mắc đột quỵ ở Việt Nam đang trẻ hơn thế giới khoảng 10 năm. Thay vì chủ yếu xảy ra ở nhóm từ 70- 75 tuổi như các nước phát triển, tại Việt Nam, con số này đang có dấu hiệu tụt dốc nhanh chóng.

Báo động đỏ từ lối sống và áp lực hiện đại

Thống kê từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho thấy, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, trong đó tỷ lệ người trẻ mắc bệnh ngày càng gia tăng, chiếm từ 10-15% tổng số ca. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ người dưới 50 tuổi mắc đột quỵ đang tăng nhanh trong thập kỷ qua.

Theo chia sẻ của PGS.TS.BS.Nguyễn Huy Thắng- Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam- Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, số liệu thống kê tại viện cho thấy, có hơn 6.600 bệnh nhân mắc đột quỵ ở độ tuổi trung bình là 62.

Bên cạnh đó, dữ liệu khác từ 2.300 bệnh nhân đột quỵ qua đăng ký ResQ (hệ thống đăng ký và theo dõi các ca đột quỵ toàn cầu của Tổ chức Đột quỵ thế giới) tại Việt Nam cũng cho kết quả tương tự. Thống kê tại một số bệnh viện vào cuối năm ngoái cũng cho ra kết quả: 63 tuổi là độ tuổi trung bình mà bệnh nhân tại Việt Nam mắc đột quỵ.

PGS.TS.Mai Duy Tôn- Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trong 4 năm thành lập, đơn vị này tiếp nhận trung bình khoảng 10.000 bệnh nhân mỗi năm, có tháng lên tới 1.000 trường hợp. Đặc biệt, trong 9 ngày nghỉ dịp Tết Ất Tỵ, Trung tâm tiếp nhận 566 ca cấp cứu đột quỵ. Riêng năm 2024, số bệnh nhân đột quỵ được cơ sở y tế này tiếp nhận hơn 17.000 người, cao nhất từ trước tới nay.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và các nghiên cứu từ Đại học Oxford (Anh) và Đại học Y khoa Yale (Mỹ), tuổi trung bình mắc đột quỵ trên thế giới dao động từ 70 đến 75 tuổi.

Tại Mỹ, gần 75% ca đột quỵ xảy ra ở người trên 65 tuổi, và nguy cơ gia tăng rõ rệt sau mỗi thập kỷ, đặc biệt từ mốc 55 tuổi trở đi. Ở châu Âu, nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy phần lớn bệnh nhân đột quỵ lần đầu có độ tuổi trung bình khoảng 74 và thường gắn với bệnh nền mạn tính và sự lão hóa hệ mạch máu.

So sánh với Việt Nam, nơi tuổi trung bình mắc đột quỵ chỉ khoảng 62, có thể thấy rõ sự khác biệt đáng lo ngại. Qua đó phản ánh lối sống hiện đại thiếu kiểm soát, tần suất khám sức khỏe thấp và hệ thống phòng ngừa chưa được triển khai rộng rãi.

Theo PGS.TS.BS.Nguyễn Huy Thắng, trong gần 50 bệnh nhân đột quỵ mới nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân 115 ngày 12/5, những người sinh năm 1970 trở xuống chiếm gần một nửa, đặc biệt có bệnh nhân nữ chỉ mới 21 tuổi.

“Điều này cho thấy độ tuổi mắc đột quỵ ở Việt Nam đang thấp hơn khoảng 10 tuổi so với số liệu các nước phát triển, hay nói cách khác bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa", bác sĩ Thắng nhấn mạnh.

“Thủ phạm” gây nên đột quỵ ở người trẻ

Theo PGS.TS.Tạ Bá Thắng- Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), đột quỵ là nguyên nhân tử vong thứ 2 trong 10 bệnh lý nội khoa trên thế giới. Còn tại Việt Nam, đây là nguyên nhân đứng đầu. Đã có không ít trường hợp sống sót nhưng để lại di chứng nặng nề.

Theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh và tim mạch, tình trạng đột quỵ ở người trẻ gia tăng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là lối sống hiện đại thiếu lành mạnh. Việc thức khuya, căng thẳng kéo dài, ăn uống không điều độ cùng chất béo, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và ít vận động là những yếu tố phổ biến làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu - vốn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.

Ngoài ra, nhiều người trẻ không nhận thức đầy đủ về các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của đột quỵ. Tâm lý chủ quan có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp, làm tăng tỷ lệ tử vong hoặc biến chứng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, yếu tố di truyền, đặc biệt ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc rối loạn đông máu, cũng đóng vai trò không nhỏ. Các bác sĩ cảnh báo rằng, sự kết hợp giữa di truyền và lối sống thiếu kiểm soát chính là “mồi lửa”, khiến nguy cơ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng.

Đột quỵ ở người trẻ thường để lại những hệ lụy nghiêm trọng. Đa phần người sống sót sau đột quỵ đều bị ảnh hưởng nhiều chức năng cơ thể, tàn phế, sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như tê liệt, cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm...

PGS.TS.BS.Nguyễn Huy Thắng cho rằng: “Điều nguy hiểm nhất không phải là người trẻ bị đột quỵ, mà là họ không hề nghĩ mình có thể mắc đột quỵ”. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức cộng đồng, chủ động tầm soát các yếu tố nguy cơ và thay đổi lối sống kịp thời là những giải pháp then chốt để ngăn chặn xu hướng trẻ hóa đột quỵ tại Việt Nam.

Thanh Hằng