Xử lý khoảng 4.000 vụ gian lận liên quan đến thương mại điện tử

Thứ Tư, 14 /05/2025 15:04

Thời gian vừa qua, tiếp tục có tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm sở hữu trí tuệ, gây bức xúc cho xã hội. Đặc biệt, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhất là các thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng diễn biến phức tạp.

Báo cáo tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, diễn ra sáng 14/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thời gian vừa qua, tiếp tục có tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm sở hữu trí tuệ, gây bức xúc cho xã hội. Đặc biệt, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhất là các thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng diễn biến phức tạp.

Các hành vi vi phạm không chỉ bị phát hiện ở các kho, điểm tập kết, địa điểm kinh doanh mà còn phổ biến tại các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, thương mại điện tử xuyên biên giới gây khó khăn cho công tác nắm bắt thông tin, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương cũng đã thực hiện các chương trình, kế hoạch, trong đó có các văn bản chỉ đạo liên quan đến dịp Tết Nguyên đán, đồng thời Bộ Công Thương cũng đã có công điện nhằm tăng cường công tác kiểm tra giám sát thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

“Từ khi triển khai đề án đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 4.000 vụ liên quan đến thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính gần 63 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 40 tỷ, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ”- Thứ trưởng thông tin.

Cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ngày 28/2/2025, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ký kết biên bản bàn giao lực lượng quản lý thị trường cấp tỉnh chuyển về cho địa phương quản lý. Tính đến 9/5/2025, có 61/63 tỉnh/thành phố đã thành lập Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.

Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố tiếp tục duy trì để triển khai các biện pháp nghiệp vụ chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Đến nay, các đơn vị đã đẩy mạnh triển khai, trong đó có cả việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời triển khai theo hướng tập trung các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm, trong đó có thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thời trang, điện thoại di động, xăng dầu, vật tư nông nghiệp,…

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, Bộ Công Thương đang xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử; tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển bền vững, có trật tự, làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế số. Đồng thời, rà soát, kiến nghị sửa đổi Luật Thương mại; sửa đổi Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa…

Bên cạnh đó, xây dựng chuyên đề xử lý triệt để các hành vi vi phạm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Bên cạnh việc triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, Bộ sẽ xây dựng Đề án mới cho giai đoạn tiếp theo, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV/2025.

Phối hợp với các địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương. Tăng cường công tác hậu kiểm, trong đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chia sẻ dữ liệu để có thể phòng ngừa, xử lý sớm các vi phạm; đánh giá rủi ro; tập trung triển khai rà soát, bám sát địa bàn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nhất là các đối tượng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Hà Thuỷ