Y tế Hàn Quốc thêm khủng hoảng mới

Thứ Ba, 26 /03/2024 14:43

Một loạt giáo sư y khoa ở các trường y trên toàn Hàn Quốc bắt đầu nộp đơn từ chức vào ngày 25/3 và tuyên bố sẽ giảm thời gian làm việc hàng tuần xuống còn 52 giờ bằng cách điều chỉnh các ca phẫu thuật và các phương pháp điều trị y tế khác.

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, nhiều giáo sư cũng thông báo, từ ngày 1/4 họ cũng sẽ giảm các dịch vụ y tế dành cho bệnh nhân ngoại trú để tập trung vào những ca nặng và chăm sóc bệnh nhân cấp cứu.

"Quyết định từ chức và giảm dịch vụ chăm sóc bệnh nhân ngoại trú của chúng tôi là để đảm bảo phương pháp điều trị an toàn cho bệnh nhân nội trú và những người mắc bệnh nghiêm trọng. Sau khi nộp đơn từ chức, chúng tôi sẽ vẫn cố gắng hết sức trong điều trị bệnh cho đến khi đơn từ chức được chấp nhận", Yonhap dẫn lời một quan chức Hội đồng Giáo sư y khoa Hàn Quốc.

Những ngày qua, nhiều giáo sư y khoa ở Hàn Quốc đã lên tiếng kêu gọi chính phủ nước này rút lại kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y và tiến tới đàm phán. Động thái mới nhất của họ là nhằm ủng hộ cuộc đình công của các bác sĩ thực tập vốn kéo dài hơn một tháng qua. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc đến nay vẫn chưa thấp nhận thỏa hiệp mà tuyên bố sẽ hành động "theo luật pháp và nguyên tắc", đồng thời khẳng định kế hoạch tăng chỉ tiêu thêm 2.000 sinh viên y khoa không phải là vấn đề đàm phán.

Theo luật y tế của Hàn Quốc, các bác sĩ từ chối quay trở lại làm việc có thể phải đối mặt với mức phạt đình chỉ công việc tối thiểu 3 tháng và bị truy tố. Trong thông báo mới nhất hôm 22/3, Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết sẽ gửi văn bản về việc đình chỉ giấy phép tới khoảng 5.000 bác sĩ thực tập vào tuần tới nếu họ không quay lại làm việc.

Trong khi đó, một hiệp hội bao gồm các bệnh nhân nguy kịch đã kêu gọi chính phủ Hàn Quốc đưa ra các giải pháp thiết thực và kêu gọi các bác sĩ kiềm chế. Hiệp hội này cảnh báo việc các giáo sư đình công trong hoàn cảnh hiện tại chẳng khác nào "bản án tử hình" với bệnh nhân.

Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực y tế, ngày 25/3, chính phủ Hàn Quốc triển khai thêm 247 bác sĩ phẫu thuật quân y và bác sĩ y tế công cộng tới các bệnh viện, đồng thời tìm cách thuê các bác sĩ đã nghỉ hưu như một giải pháp nhằm giảm thiểu khủng hoảng.

Trong hơn một tháng qua, trên 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú của Hàn Quốc đã đình công tại nhiều bệnh viện đa khoa để phản đối chính sách tuyển sinh thêm 2.000 sinh viên y khoa trong kỳ thi đại học năm 2025 lên 5.058 chỉ tiêu. Họ cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế, và dẫn đến tình trạng dư thừa bác sĩ. Làn sóng đình công đã khiến nhiều ca phẫu thuật bị hủy bỏ và hệ thống y tế tê liệt.

Chính phủ Hàn Quốc lập luận rằng việc tăng số lượng bác sĩ là nhằm giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ ở khu vực nông thôn, các lĩnh vực y tế thiết yếu và giải quyết tình trạng dân số siêu già. Theo kế hoạch chi tiết, 82% trong số 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh thêm sẽ được phân bổ cho 27 trường đại học bên ngoài khu vực thủ đô Seoul, 18% còn lại sẽ được phân bổ cho 5 trường y ở tỉnh Kyunggi lân cận Seoul và thành phố cảng Incheon ở phía Tây, không phân bổ cho các trường học ở Seoul.

Trong bài phát biểu hôm 20/3, Thủ tướng Han Duck-soo nhấn mạnh rằng cải cách y tế là một trong những chương trình nghị sự quan trọng của chính quyền và là nhiệm vụ cấp nhà nước không thể trì hoãn thêm. Ông cũng tái khẳng định quyết tâm của chính quyền trong việc mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh trường bắt đầu từ năm 2025 và kêu gọi các bác sĩ thực tập, sinh viên y khoa quay trở lại bệnh viện và trường học. Ông cam kết chính phủ sẽ đảm bảo chuẩn bị kỹ lưỡng các biện pháp cần thiết để giúp cải cách lĩnh vực đào tạo y khoa mà không khiến chất lượng đi xuống do chỉ tiêu tuyển sinh tăng.

Theo hãng tin Yonhap, với thực trạng dân số già đi nhanh chóng và các vấn đề khác, Hàn Quốc dự kiến sẽ thiếu 15.000 bác sĩ vào năm 2035. Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy tỷ lệ bác sĩ trên 1.000 dân tại Hàn Quốc năm 2021 là 2,6, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,7 của các nước thành viên OECD. 

Hoàng Dương