Print

UNICEF: Thế giới có 640 triệu trẻ em gái kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi

Thứ Sáu, 05 /05/2023 11:37

Bà Claudia Cappa, đại diện UNICEF cho biết: “Thế giới đã đạt được một số tiến bộ trong việc hạn chế vấn đề tảo hôn, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn là chưa đủ. Do nhiều nguyên nhân, trong 300 năm nữa, dự báo tảo hôn vẫn là một trong những vấn đề xã hội nghiêm trọng trong đời sống con người”.

Theo ước tính của UNICEF, thế giới có 640 triệu trẻ em gái kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi, khoảng một nửa trong số đó tập trung ở Bangladesh, Brazil, Ethiopia, Ấn Độ và Nigeria. Mỗi năm, ước tính có khoảng 12 triệu trẻ em gái trở thành cô dâu. Mặc dù vậy, trong 25 năm qua, tỷ lệ tảo hôn có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, năm 1997, có 25% nữ giới độ tuổi từ 20 đến 24 tuổi kết hôn trước 18 tuổi; năm 2012, con số này giảm xuống còn 23% và năm 2022, ở mức 19%. Dự báo năm 2030, vẫn còn khoảng 9 triệu trẻ em gái (độ tuổi 12- 17 tuổi) sẽ là nạn nhân của tảo hôn.

Những nguyên nhân chính của vấn đề xã hội này, theo UNICEF, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; các cuộc xung đột, biến động chính trị toàn cầu và biến đổi khí hậu. Đối mặt với khó khăn kinh tế, không ít hộ gia đình nghèo cảm thấy buộc phải dựng vợ gả chồng cho con cái sớm. Nghiêm trọng hơn, kể cả khi “nhận thức được tảo hôn là vi phạm quyền trẻ em, song một bộ phận hộ gia đình lại coi đó là biện pháp để chăm lo cho trẻ em gái, mang lại sự an toàn về đời sống, về kinh tế, thậm chí về cả tinh thần và thể chất”.

“Riêng đại dịch Covid-19 có nguy cơ là nguyên nhân dẫn đến 10 triệu cuộc hôn nhân ở tuổi vị thành niên trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030”- Bà Catherine Russell, Giám đốc Điều hành UNICEF phát biểu trong một cuộc họp của LHQ- "Việc trường học đóng cửa, kinh tế hộ gia đình khó khăn, giãn cách xã hội, mang thai ngoài ý muốn và sự tử vong của cha mẹ, người thân do đại dịch Covid-19 khiến trẻ em gái thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất có nguy cơ tảo hôn cao. Điều này đã và đang dập tắt hy vọng, cũng như ước mơ của trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái nghèo, ở độ tuổi đáng lẽ được nuôi ăn học, chứ không phải làm vợ, làm mẹ một cách bất đắc dĩ”.

Về mặt địa lý, Nam Á những năm gần đây có tiến bộ trong hạn chế tảo hôn, song vẫn chiếm khoảng 45% (riêng Ấn Độ chiếm 1/3) tổng số 640 triệu trẻ em gái trên thế giới kết hôn khi ở độ tuổi vị thành niên. Còn tại khu vực châu Phi cận Sahara có xu hướng ngược lại, trẻ em gái hiện có nguy cơ tảo hôn cao nhất thế giới, với tỷ lệ 1/3 sẽ kết hôn trước 18 tuổi. Dự báo, tỷ lệ tảo hôn của trẻ em gái khu vực này sẽ tăng khoảng 10% vào năm 2030. UNICEF kêu gọi, Chính phủ các quốc gia quan tâm hơn nữa đến đời sống của trẻ em gái, trong đó có vấn đề tảo hôn, để “giảm nguy cơ trẻ em gái bị “đánh cắp tuổi thơ”; đồng thời tăng sự tiếp cận với giáo dục, y tế cho trẻ em gái.

Tùng Anh (Theo UNICEF)