Print

“Kabuki Kids”: Những đứa trẻ trên sân khấu truyền thống Nhật Bản

Thứ Ba, 09 /05/2023 13:41

Giống như hầu hết những bé trai độ tuổi lên 10, Maholo Terajima thích bóng chày và trò chơi điện tử. Nhưng gần đây, lịch trình của cậu dày đặc các buổi học về đấu kiếm, vũ đạo và múa quạt, tất cả để chuẩn bị cho màn ra mắt trên sân khấu kịch Kabuki của cậu.

Kabuki là một trong 3 loại hình nghệ thuật sân khấu chính của Nhật Bản, cùng với kịch Noh và kịch rối Kunraku. Kabuki được hiểu theo nghĩa là "Ca Vũ Kỹ", trong đó "ca" là ca hát, "vũ" là múa và "kỹ" là kỹ năng. Bằng sự kết hợp tinh tế giữa 3 yếu tố trên, Kabuki- có từ thế kỷ 17- được coi là bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời của Nhật Bản và của thế giới. Vì vậy, việc Maholo Terajima, nghệ danh là Onoe Maholo, trình diễn lần lần đầu tiên trên sân khấu Nhà hát Kabuki-za (Tokyo, Nhật Bản) đã nhận được nhiều tràng pháo tay nồng nhiệt và tán thưởng của khán giả. “Quá trình luyện tập Kabuki rất vất vả”- Maholo Terajima cho biết- "Con cần đảm bảo không sai vũ đạo, lời thoại hay quên động tác của vở diễn. Việc cân bằng giữa trường học và sân khấu Kabuki khó khăn nhưng con sẽ cố gắng làm được”.

Maholo Terajima, 10 tuổi, diễn viên Kabuki người Pháp gốc Nhật trong một buổi diễn tập tại Nhà hát Kabuki-za (Tokyo, Nhật Bản)

Để chuẩn bị cho lần lên sân khấu Kabuki đầu tiên của mình, Maholo Terajima đã luyện tập chăm chỉ trong nhiều tháng nay. Vì vai diễn của cậu tương đối phức tập, là một chiến binh trẻ nhưng vì nhiệm vụ có lúc phải cải trang thành con gái, đòi hỏi diễn xuất nội tâm và động tác điêu luyện. Chỉ trong một buổi chiều, người ta có thể thấy cậu đấu kiếm với một thanh kiếm gỗ dưới sự chỉ đạo của một diễn viên kiêm biên đạo múa kỳ cựu, sau đó lại chuyển sang học cách sử dụng múa quạt yểu điệu, uyển chuyển với một nghệ nhân khác.
Giống như hầu hết các diễn viên Kabuki nhí, Maholo Terajima là con nhà nòi, hay nói cách khác là thuộc thế hệ Iemono- thế hệ thừa kế văn hóa truyền thống của gia đình. Ông ngoại Onoe Kikugoro VII của cậu là một ngôi sao của loại hình nghệ thuật này, thậm chí còn được Chính phủ Nhật Bản coi là “bảo vật quốc gia". Maholo Terajima là người kế nghiệp ông ngoại vì bà Shinobu Terajima, mẹ cậu, không đủ điều kiện để tiếp quản vị trí này mặc dù là diễn viên điện ảnh- truyền hình khá có tên tuổi. “Khi mới 2 tuổi, Maholo vui vẻ dành cả ngày lẫn đêm để say mê ngắm nhìn các diễn viên luyện tập tại Nhà hát Kabuki-za. Thật kỳ lạ là trẻ em tuổi ấy thường cảm thấy buồn chán với nghệ thuật truyền thống, song Maholo gần như không cảm thấy buồn chán. Mặc dù Maholo vừa có sân khấu Kabuki chính thức đầu tiên nhưng con đã xuất hiện trên sân khấu nhiều lần trước đó, bắt đầu từ khi bốn tuổi”- bà Shinobu Terajima cho biết.

Kabuki là một trong 3 loại hình nghệ thuật sân khấu chính của Nhật Bản, cùng với kịch Noh và kịch rối Bunraku

Kabuki ban đầu được biểu diễn bởi cả nam và nữ nhưng theo định kiến xã hội, sân chơi này dần trở thành chỉ dành cho nam, vai nữ cũng do nam đảm nhận (phản xuyến, giống nghệ thuật Kinh kịch của Trung Quốc). Điểm đặc biệt của Kabuki là tuy cao cấp nhưng cũng dành cho tầng lớp bình dân. Ngày nay, cũng như các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, Kabuki thu hút khán giả lớn tuổi hơn với giá vé khoảng 4.000 đến 20.000 yên. “Maholo Terajima thuộc thế hệ Iemono, tiếp quản việc là diễn viên Kabuki theo truyền thống gia đình nhưng con là người mang 2 quốc tịch (Pháp và Nhật Bản) đầu tiên được chính thức công nhận là diễn viên kabuki”- bà Shinobu Terajima tự hào- “Tôi có thể hơi quá lời, song con có thể nói đang làm nên lịch sử, vì tạo tiền đề cho diễn viên Kabuki xuất thân con lai được biểu diễn trên sân khấu (trong lịch sử, nam diễn viên Ichimura Uzaemon, người Mỹ gốc Pháp có tham gia sân khấu Kabuki nhưng không được chính thức công nhận là diễn viên Kabuki do xuất thân con lai-ND)”.

Kabuki là một trong 3 loại hình nghệ thuật sân khấu chính của Nhật Bản, cùng với kịch Noh và kịch rối Bunraku

Tuy nhiên, ông Laurent Ghnassia, cha của Maholo Terajima, lại mong muốn con trai có một tuổi thơ bình thường như mọi đứa trẻ khác: “Tôi không biết Kabuki là gì trước khi cưới vợ nhưng bây giờ cảm thấy vô cùng tự hào về Maholo Terajima. Tôi sẽ ủng hộ bất kể lựa chọn nghề nghiệp nào của con. Tôi cũng không bao giờ lo lắng là thế giới Kabuki không dung nạp con vì con là con lai. Nghệ sỹ coi sân khấu là thánh đường và người có năng lực sẽ được ghi nhận”. Hiện tại, mọi ước mơ của Maholo Terajima đều hướng về Kabuki, bao gồm cả việc có thể được diễn Kabuki trên sân khấu ở Pháp và đạt được danh tiếng như ông ngoại của mình.

Tùng Anh (Theo Kyoto News)