Print

Trung Quốc: Người cao tuổi nghỉ ngơi, nhường thị trường lao động cho giới trẻ

Thứ Hai, 15 /05/2023 09:30

Ở cuối một con hẻm nhỏ được bao quanh bởi những ngôi nhà lúp xúp, âm thanh đặc trưng của môn thể thao bóng bàn vang vọng trong một gian nhà kho nhỏ nhỏ. Đây là nơi tụ họp của các thành viên CLB Bóng bàn người cao tuổi tại Như Đông, một huyện ven biển thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc)- một trong những địa phương có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất Trung Quốc.

Trung Quốc vừa chính thức bị Ấn Độ vượt qua để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Chính quyền Trung Quốc gần đây tuyên bố, dân số quốc gia này đã giảm vào năm 2022, lần đầu tiên trong hơn 6 thập kỷ trở lại đây. Như Đông- một huyện ven biển thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), từng đóng vai trò tiên phong trong việc triển khai chính sách “một con”. Giờ đây, có một nghịch lý là một số ngôi trường Tiểu học bị bỏ hoang, dây leo mọc um tùm; trong khi đó, một trường Đại học mới được mở cửa để cung cấp các khóa học về mọi lĩnh vực cho người người cao tuổi. “Năm 2011, tôi nảy ra ý định mở một CLB Bóng bàn. Nếu những người cao tuổi đến đây học và chơi bóng bàn, họ sẽ được cải thiện về sức khỏe, đồng thời, không ngồi lỳ ở bàn mạt chược nữa”- bà Phó, 56 tuổi, cho biết.

Người cao tuổi chơi bóng bàn tại một CLB hưu trí ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc

Con trai duy nhất của bà Phó đã rời khỏi Như Đông để tìm việc làm ở đô thị phồn hoa Thượng Hải. Xu hướng này rất phổ biến với giới trẻ trong những thập kỷ gần đây, sau khi Trung Quốc chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường: “Con tôi đã lập gia đình và đã sinh con ở thành phố. Việc vợ chồng con tôi có quay lại sinh sống ở Như Đông là điều không thể. Còn tôi, tôi có cuộc sống riêng của mình”.
Ông Châu, một thành viên tích cực của CLB Bóng bàn, hiện đang ở độ tuổi 60. Trước khi nghỉ hưu, ông làm việc tại China Telecom. “Thị trường việc làm thời nay vô cùng thách thức đối với giới trẻ Trung Quốc. Bây giờ không giống thế hệ của chúng tôi. Trước đây, thế hệ chúng tôi có sự phân công lao động khá rõ rệt. Nhưng ngày nay, mọi người phải dựa vào chính mình để thăng tiến trong công việc, vì người được đào tạo chuyên ngành này, vẫn có thể ứng tuyển và làm tốt chuyên ngành khác"- ông Châu trầm ngâm.

Xu hướng trở lại lớp học

Các chuyên gia nhân khẩu học nhận định, Trung Quốc đang phải đối mặt với thực tế là dân số đang giảm dần; đặc biệt, đây trở thành vấn đề khá “đau đầu” ở khu vực nông thôn, bởi dân số già tăng đột biến cùng lúc với làn sóng di cư của những người trẻ tuổi. Tại Như Đông, cuộc điều tra dân số gần đây nhất cho thấy, gần 39% dân số trong huyện ở độ tuổi trên 60 tuổi, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ toàn quốc (18,7%); tổng dân số là 880.006 người, giảm 115.977 người so với lần điều tra dân số trước.

Một lớp học môn bóng cổng (gateball) dành cho người cao tuổi

Cuối những năm 1970 của thế kỷ trước, trong bối cảnh lo ngại về bùng nổ dân số, Trung Quốc bắt đầu xem xét áp dụng chính sách “một con”. Mặc dù chính sách này đã cơ bản được nới lỏng từ năm 2016 nhưng tác động vẫn còn khá rõ ràng. Năm 2022, tỷ lệ sinh của Trung Quốc chỉ là 1,2 ca sinh/ phụ nữ, đưa quốc gia này trở thành một trong quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới. Già hóa dân số đang tạo áp lực lớn lên hệ thống ASXH quốc gia, cũng như thế hệ trẻ, khiến họ vừa trở thành lực lượng lao động chính trong xã hội, vừa gánh trách nhiệm chăm sóc các thành viên lớn tuổi trong gia đình.

Cũng như ở các quốc gia châu Á, ở Trung Quốc, việc sinh sống trong một gia đình nhiều thế hệ vẫn là điều phổ biến. Song đa phần người cao tuổi cho biết, họ luôn có ý thức giữ gìn sức khỏe hết sức có thể, để giảm bớt áp lực cho con cái. “Tôi nghĩ nếu chúng tôi khỏe mạnh, con cái sẽ bớt lo lắng cho chúng tôi hơn, có thời gian tập trung làm kinh tế”- ông Vương, 67 tuổi, đang vui vẻ chơi bóng cổng (gateball), một trò chơi lấy cảm hứng từ môn bóng vồ (croquet), chia sẻ- “Vì vậy, chăm chỉ tham gia các hoạt động thể thao trước hết là để gia tăng sức khỏe cho chính chúng tôi và cũng là cách để hỗ trợ con cái".

Già nhưng đời vẫn vui

Đối với nhiều người cao tuổi Trung Quốc, nghỉ hưu là quãng thời gian tươi đẹp hơn cả tuổi trẻ, vì họ đã cống hiến sức lực nhiều thập kỷ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế hộ gia đình. Đạp xe ra khỏi cổng trường cùng bạn học, bà Đinh, 74 tuổi, kể lại thời Cách mạng Văn hóa vào những 1960 của thế kỷ trước, bà thuộc phần tử trí thức nên bị đưa xuống vùng nông thôn trong 5 năm và bị gián đoạn việc học hành. Giờ đây, khi đời sống ổn định và đã giảm bớt gánh nặng gia đình, bà quyết định đi học trở lại: “Tôi tham gia các lớp học về văn học, thiên văn học và Kinh kịch truyền thống Trung Quốc. Lớp học gồm những người xấp xỉ độ tuổi của tôi. Chúng tôi vừa học tập, vừa chia sẻ vui buồn. Cuộc sống của chúng tôi vẫn khá phong phú và thú vị".

Tùng Anh (Theo Rudong News)