Print

Châu Âu và bài toán lương hưu

Thứ Hai, 15 /05/2023 15:06

Vấn đề lương hưu đang “nóng” ở Pháp. Các số liệu thống kê cho thấy, đây cũng là bài toán khó với hầu hết các quốc gia Châu Âu, chứ không riêng gì với Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron.

Nhìn chung, các quốc gia ở Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ già hóa dân số. NLĐ tại nhiều nước ở khu vực này có tuổi thọ khá cao, dẫn đến thời gian hưởng lương hưu dài hơn và số lượng người hưởng cũng vì thế ngày càng tăng. Đây là một thực tế đang dần phổ biến ở nhiều quốc gia Châu Âu. Do đó, hầu hết chính phủ các nước này đã phải tăng ngân sách để đảm bảo chi trả lương hưu trong những năm gần đây.

Các số liệu ghi nhận trong giai đoạn 50 năm (1970-2020) cho thấy bức tranh cụ thể hơn. Theo đó, trong 50 năm qua, khoảng cách trong các quy định pháp luật về tuổi nghỉ hưu các quốc gia Châu Âu dần bị thu hẹp, phản ánh thực tế già hóa dân số đang diễn ra mạnh mẽ. Nhưng tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật là một chuyện, tuổi nghỉ hưu thực tế lại là vấn đề khác, khi NLĐ ngày càng có xu hưởng nghỉ hưu sớm hơn.

Đơn cử, tuổi nghỉ hưu thực tế của lao động nam tại Châu Âu vào năm 1970 trung bình là 65,5 nhưng đến năm 2020, con số này là 63,1. Với lao động nữ, thời gian hưởng lương hưu trung bình có xu hướng tăng lên. Năm 1970, bình quân 1 lao động nữ sẽ có thời gian hưởng lương hưu là 16,5 năm; năm 2020 tăng lên và đạt 24 năm. Con số này với nam giới là 12,3 năm vào năm 1970 và 19,4 năm vào năm 2020.

Tại Pháp, lao động nữ có thể hưởng lương hưu trong 27,1 năm kể từ thời điểm họ ngừng lao động. Nhưng đây chưa phải là con số lớn nhất ở Châu Âu. Lao động nữ tại Hy Lạp và Tây Ban Nha có thời gian hưởng lương hưu bình quân cao hơn. Còn với lao động nam, thời gian hưởng lương hưu bình quân tại Pháp là 23,5- cao thứ 2 tại Châu Âu, chỉ sau Luxembourg.

Từ các dữ liệu trên, có thể dễ dàng suy ra tổng số người hưởng lương hưu đang trên đà tăng ở Châu Âu. Thực tế đã đạt gần 97 triệu vào năm 2020. Ở Pháp- nơi đang diễn ra những tranh cãi về tuổi nghỉ hưu, hiện có khoảng 17 triệu người nghỉ hưu; con số này vào năm 2006 chỉ là 14 triệu. Số liệu thống kê đã chỉ ra rằng, kể từ năm 2006 đến nay, chỉ có 3 quốc gia Châu Âu ghi nhận giảm số người hưởng lương hưu bao gồm: Italy, Bulgaria, Latvia.

Như vậy, từ số liệu thống kê về tuổi nghỉ hưu thực tế, thời gian hưởng lương hưu bình quân hay số người hưởng lương hưu… đều đã và đang phản ánh rõ rất nhiều áp lực đối với hệ thống hưu trí của các quốc gia Châu Âu.

Thực tế già hóa dân số cũng đang diễn ra ở nhiều quốc gia hay khu vực khác, nhưng thực trạng ở Châu Âu lại có nhiều khác biệt. Các chính sách hưu trí xã hội hay lương hưu từ quỹ BHXH (theo cơ chế đóng-hưởng) tại khu vực này đã có lịch sử phát triển lâu đời; diện bao phủ hưu trí rất cao, lên tới 96,7% người cao tuổi, tỷ lệ chung của toàn cầu là 77,5% (theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế- ILO). Chính vì vậy, áp lực từ già hóa dân số, cân đối quỹ hưu trí với các quốc gia khu vực Châu Âu dường như lớn hơn.

Trong bối cảnh đó, cải cách hệ thống hưu trí bằng các giải pháp cơ bản như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đang được chính phủ các nước tính đến và áp dụng theo lộ trình nhất định. Dù vậy, không phải sự cải cách nào cũng nhận được sự đồng thuận. Câu chuyện tại Pháp là một ví dụ tiêu biểu.

Rõ ràng, già hóa dân số đã và đang đem đến một bài toán khó với nhiều quốc gia. Bài học từ Pháp hay các nước ở Châu Âu cho thấy, chính phủ các nước phải chủ động để sớm có những cải cách để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sự cân bằng, bền vững cho quỹ hưu trí cũng như hệ thống hưu trí ở mỗi quốc gia.

Minh Đức