Print

Châu Á- Thái Bình Dương: Cứ 5 NLĐ thì có 3 người phải làm thêm để trang trải cuộc sống

Thứ Ba, 16 /05/2023 11:56

3/5 NLĐ khu vực châu Á- Thái Bình Dương được hỏi cho biết, bên cạnh công việc chính, họ phải tìm công việc làm thêm để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Đây là nội dung quan trọng ghi nhận được tại một cuộc khảo sát thực hiện thông qua One Poll tại Australia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan và Việt Nam với 5.500 người tham gia.

Theo đó, kết quả cuộc Khảo sát Công việc làm thêm tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương năm 2023 cho thấy: Gần 3/5 NLĐ khu vực châu Á- Thái Bình Dương, tương đương với 59% số người được hỏi, cho biết bên cạnh công việc chính, họ phải tìm công việc làm thêm. Lý do hàng đầu khiến họ phải “chân trong, chân ngoài) là để trang trải cho cuộc sống hàng ngày (61%); có thêm thu nhập để bù đắp chi phí sinh hoạt càng ngày càng tăng (44%) và giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu nhập duy nhất (43%).

Bên cạnh đó, 56% NLĐ được hỏi cho biết, tình hình tài chính eo hẹp hiện tại khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong thanh toán hóa đơn nhu yếu phẩm, lương thực- thực phẩm và thuốc men. 7/12 NLĐ (72%) thừa nhận, hậu Covid-19, họ ngày càng lo lắng hơn về tình trạng tài chính của bản thân. 56% người tham gia khảo sát bi quan về thu nhập trong tương lai gần, thậm chí một số người còn cho biết, việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ.

Khi được hỏi về xu hướng tìm công việc làm thêm, đa phần người tham gia khảo sát cho biết, những công việc làm thêm phổ biến nhất bao gồm bán hàng online trên các nền tảng thương mại điện tử; sáng tạo nội dung trên các mạng xã hội; viết lách, dịch thuật, chỉnh sửa hoặc biên tập nội dung… Nhìn chung, số tiền kiếm được là rất khác nhau, song với NLĐ khu vực châu Á Thái Bình Dương, ngoài thu nhập chính thì thu nhập từ công việc làm thêm trung bình phải từ 300 đến 700 USD/tháng mới đủ để họ có cuộc sống thoải mái và có một chút ít tích lũy.

Trung bình, NLĐ châu Á-Thái Bình Dương tham gia khảo sát cho biết, họ dành khoảng 8 giờ/tuần để làm thêm; trong đó, 29% dành 3–5 giờ/tuần; 22% dành 6–10 giờ/tuần và còn lại là lựa chọn khác. Mục đích làm thêm rất đa dạng, bao gồm: Có thêm thu nhập để bù đắp chi phí sinh hoạt càng ngày càng tăng (44%); giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu nhập duy nhất (43%); muốn đạt đến tình trạng an toàn tài chính (39%); trang trải cho cuộc sống hàng ngày (43%); để có thu nhập đủ sống (37%); để giúp đỡ gia đình (34%); trả nợ (27%); theo đuổi đam mê hoặc sở thích (27%) và nghỉ hưu sớm (23%).

Một nội dung khác thuộc cuộc Khảo sát cũng cho thấy sự khác biệt trong cách thế hệ Millennials (hay còn gọi là Gen Y, những người sinh từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990– đầu thập niên 2000) và thế hệ Z (Gen Z, nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2012) nhìn nhận về công việc làm thêm so với các thế hệ khác:

Thế hệ Millennials có nhiều khả năng có thêm nghề tay trái hơn (63%), tiếp theo là thế hệ Z (59%), thế hệ X (50%) và thế hệ Baby Boomers (45%).

Những lý do hàng đầu khiến những người tham gia khảo sát thuộc thế hệ Millennials lựa chọn có thêm nghề tay trái bao gồm có thêm thu nhập để bù đắp chi phí sinh hoạt càng ngày càng tăng (47%); giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu nhập duy nhất (46%) và muốn đạt đến tình trạng an toàn tài chính (43%).

Còn Gen Z lựa chọn làm thêm nghề tay trái bao gồm trang trải cho cuộc sống hàng ngày (43%), giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu nhập duy nhất (41%) và bù đắp chi phí sinh hoạt càng ngày càng tăng (40%).

Tùng Anh (Theo One Poll)