Print

Đảm bảo các quyền lợi về BHXH, BHYT cho NLĐ Thủ đô

Thứ Sáu, 19 /05/2023 12:03

Nhân dịp Tháng Công nhân, chiều 18/5, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì Hội nghị Chủ tịch UBND Thành phố gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động (NLĐ) Thủ đô năm 2023. Dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ban ngành, trong đó có BHXH TP.Hà Nội.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lê Đình Hùng- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội cho biết, hiện nay, Hà Nội có trên 250.000 DN với khoảng 2,5 triệu NLĐ. Năm 2022, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động; đặc biệt sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, sản xuất kinh doanh của các DN và đời sống, việc làm của phần lớn NLĐ tiếp tục gặp khó khăn...

Các đại biểu dự Hội nghị đối thoại

Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và sự nỗ lực, cố gắng của các DN, NLĐ và cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, tình hình kinh tế-xã hội Thủ đô và sản xuất kinh doanh của các DN những tháng đầu năm 2023 đã có nhiều khởi sắc; đời sống, việc làm của NLĐ dần đi vào ổn định.

Theo đó, năm 2022, tiền lương bình quân chung của NLĐ trên địa bàn Hà Nội tăng so với năm 2021 từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân đạt 6,6 triệu đồng/tháng. Riêng quý I/2023, thu nhập bình quân của NLĐ là 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức thu nhập như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, NLĐ phải chịu nhiều chi phí như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao...

Về vấn đề đề nhà ở cho NLĐ, hiện nay, thành phố có 3 KCN là: Thạch Thất-Quốc Oai, Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của NLĐ. Các KCN còn lại đều chưa có nhà ở cho NLĐ; do vậy khoảng trên 80% NLĐ đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao...

Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng còn thiếu nhiều; nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ NLĐ ở các KCN tập trung hầu như chưa có. Đặc biệt, khối trường THPT còn thiếu, cùng với đó là cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào trường THPT công lập, nên đã gây bức xúc, khó khăn cho NLĐ nhập cư...

Về chính sách lao động, việc làm và BHXH, hiện nay, Hà Nội có 2.218.675 người tham gia BHXH, tăng 160.898 người (tương ứng 7,8%) so với năm 2022, trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc chiếm 40,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH tăng cao, nhiều DN cố tình chây ỳ trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều NLĐ. Tính đến hết tháng 4/2023, tỷ lệ chậm đóng, trốn đóng BHXH toàn thành phố là 9,13% so với số phải thu, tương ứng 5.191,9 tỷ đồng, ảnh hưởng đến 512.696 NLĐ. Chỉ tính riêng số tiền trốn đóng, nợ BHXH của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể chiếm 34,6% tổng số tiền chậm đóng, trốn đóng.

“Đáng chú ý, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số DN, đặc biệt tại những DN có quy mô nhỏ, ít lao động. Một số vi phạm phổ biến như: HĐLĐ, tiền lương, thời giờ làm việc, ATVSLĐ, xây dựng thang bảng lương thiếu rõ ràng, trốn nợ BHXH… ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ”- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội nhấn mạnh.

Khuyến khích NLĐ ở lại hệ thống BHXH

Tại Hội nghị, NLĐ đã nêu nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến chính sách BHXH, BHYT như: Được KCB bằng thẻ BHYT ở các cơ sở y tế công lập vào ngày nghỉ hoặc ngoài giờ hành chính; kiến nghị Quốc hội về tuổi nghỉ hưu của một số nhóm đối tượng; tăng quyền lợi hưởng để thu hút NLĐ tham gia BHXH tự nguyện và giảm số người rút BHXH một lần; việc KCB bằng ứng dụng VssID chưa được thuận lợi…

Ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.Hà Nội tham gia giải đáp tại Hội nghị

Về nội dung KCB ngoài giờ hành chính, ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết, BHXH Thành phố đã tham mưu cho Chủ tịch UBND Thành phố hàng năm đều có văn bản chỉ đạo giao Sở Y tế phối hợp với BHXH yêu cầu các cơ sở KCB phải thực hiện KCB kể cả vào ngày nghỉ lễ, Tết và Chủ Nhật. Trong đó, giao trách nhiệm cho các cơ sở KCB có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT; thông báo bằng văn bản cho cơ quan BHXH để bổ sung vào hợp đồng KCB trước khi thực hiện hoạt động KCB vào ngày lễ, ngày nghỉ để làm cơ sở thanh toán.

Theo đó, các cơ sở KCB đã nghiêm túc thực hiện nội dung này. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP.Hà Nội đã có 29 cơ sở KCB có tổ chức KCB ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ cho người bệnh và được thanh toán đúng theo quy định của Bộ Y tế. “Thời gian tới, BHXH Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Y tế đề nghị các cơ sở KCB BHYT vào ngày lễ, ngày nghỉ để đáp ứng yêu cầu người bệnh”- ông Phan Văn Mến chia sẻ.

Giải đáp vấn đề liên quan đến chính sách BHXH, ông Phan Văn Mến cho biết, Luật BHXH được ban hành năm 2007 và thay thế năm 2016, đến nay đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội đang được triển khai lấy ý kiến theo hướng mở rộng quyền, lợi ích cho các đối tượng tham gia như: Giảm điều kiện tối thiểu về số năm tham gia BHXH để hưởng hưu, hạn chế rút BHXH một lần, tăng sự hấp dẫn chính sách BHXH tự nguyện.

“Dù phương án nào, mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích NLĐ ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng BHXH một lần. Rất mong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương phối hợp với cơ quan BHXH tuyên truyền về những lợi ích của chính sách BHXH để NLĐ được đảm bảo các quyền lợi chính đáng”- ông Phan Văn Mến cho hay.

Bên cạnh đó, BHXH Thành phố cũng đã triển khai cài đặt ứng dụng VssID cho trên 4,5 triệu người, giúp tra cứu thông tin đến quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT. Hiện, 100% cơ sở KCB đã thực hiện KCB thông qua ứng dụng VssID; tuy nhiên có một số cơ sở KCB chưa triển khai được là do đầu đọc chưa phù hợp. Để giải quyết vấn đề này, BHXH Thành phố đã yêu cầu các cơ sở KCB trang bị đầu đọc cho tốt để thực hiện số hóa quá trình KCB BHYT cho NLĐ.

Đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh ghi nhận những góp ý, kiến nghị của NLĐ. Đồng thời, gửi lời cảm ơn sự đóng góp to lớn của toàn thể NLĐ trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thành phố đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ

Làm rõ một số vấn đề, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh đã nêu quan điểm phát triển của thành phố trong thời gian tới. Theo đó, TP.Hà Nội sẽ phát triển theo hướng mở rộng, công nghệ cao. Do đó, TP.Hà Nội sẽ có chính sách để phát huy lợi thế trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, đặc biệt là chú trọng vào các trường nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu thế phát triển.

Liên quan vấn đề nhà ở cho NLĐ, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh khẳng định, Thành ủy, UBND Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho NLĐ. “Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để NLĐ với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi. Thành phố đang rất quyết liệt, nhưng việc này cần có thời gian nhất định, kế hoạch và lộ trình cụ thể”- Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, hiện nay đã có cơ chế xây dựng chính sách tiền lương tương đối cụ thể, bảo vệ tối đa nhất quyền lợi của NLĐ, đảm bảo tính hấp dẫn tối thiểu nhà đầu tư đến Việt Nam, kể cả nhà đầu tư trong nước… Nhà nước đã luôn luôn quan tâm chỉ đạo đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ. Do đó, mong muốn tổ chức Công đoàn chia sẻ, hoạt động có hiệu quả hơn nữa vì đoàn viên, NLĐ.

Về những vấn đề liên quan đến giải quyết TTHC trong lĩnh vực BHXH và tư pháp, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thành phố cùng các sở, ngành đang có những giải pháp quyết liệt, giảm thiểu việc NLĐ phải đến cơ quan hành chính, cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện hành chính công. Tháng 7 tới, UBND Thành phố sẽ trình HĐND xây dựng đề án miễn giảm tất cả chi phí nộp TTHC thuộc thẩm quyền của thành phố với điều kiện làm trực tuyến, để NLĐ dành thời gian nhiều hơn cho lao động sản xuất, tăng năng suất, có thời gian nghỉ ngơi, giảm tối đa rủi ro.

Thanh Hằng