Print

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV

Thứ Hai, 22 /05/2023 09:37

Sáng 22/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội.

Thay mặt Ủy ban TVQH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn ngoại giao đã đến dự phiên khai mạc trọng thể. Đồng thời, chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ BCH Trung ương Đảng khóa XIII, là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, trong đó có 6 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư; 2 dự án luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp. Quốc hội cũng xem xét, ban hành 3 nghị quyết quy phạm pháp luật.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác. Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo đã được Ủy ban TVQH chỉ đạo sát sao. Các dự thảo luật được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua cơ bản đã có sự thống nhất cao giữa Ủy ban TVQH và Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. “Việc xem xét, ban hành các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là với Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chất lượng quản trị, điều hành các tổ chức tín dụng và hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH dành thời gian nghiên cứu, tập trung thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá tính đồng bộ và sự phù hợp của các dự án, dự thảo với Hiến pháp và đường lối, chủ trương của Đảng, cân nhắc thận trọng về tính hợp lý, khả thi, tác động của các chính sách mới được đề xuất; đặc biệt lưu ý bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, không tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong các quy định của từng dự án, dự thảo và sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, thúc đẩy, tạo động lực mới, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Về kinh tế- xã hội, NSNN và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021; đồng thời, xem xét, quyết định các nội dung quan trọng về: Giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021- 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội; Chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa- kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn; làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế; dự báo sát với tình hình thời gian tới, từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội cho cả giai đoạn 2021- 2025. “Đối với việc phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021, các vị ĐBQH thảo luận, đánh giá kỹ tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán NSNN, phân tích rõ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, nhất là những bất cập, hạn chế chưa được khắc phục hậu quả qua nhiều năm. Từ đó, đóng góp giải pháp, đề xuất cách làm để đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức, công vụ, tăng cường trách nhiệm giải trình và xử lý vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng công tác xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

V.Thu