Print

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Gỡ nhiều vướng mắc trong thực tiễn

Thứ Tư, 24 /05/2023 10:19

Sáng 24/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Một số đại biểu đề nghị quy định rõ thẩm quyền quyết định các trường hợp chỉ định thầu; giao Chính phủ quy định rõ thẩm quyền xác định giá gói thầu để giao thầu trong trường hợp cấp bách; đề nghị cần có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ đối với chỉ định thầu và chế tài xử lý nghiêm khắc trong trường hợp cố tình chỉ định thầu gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước.

Nhiều ĐBQH quan tâm và đề nghị quy định trong Luật này để giải quyết những vướng mắc và đặc thù trong lĩnh vực y tế, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đồng thời, nhiều ý kiến tham gia chi tiết, cụ thể tại các điều khoản của Dự thảo luật, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH. Theo đó, Dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định rõ ràng, cụ thể trong luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

ĐB Phạm Văn Hòa- Đồng Tháp nêu thực tế, phần lớn các chủ đầu tư không dám chỉ định thầu vì có nhiều quy định ràng buộc và phải chịu trách nhiệm nếu dự án không hoàn thành, hoặc chậm triển khai do nhiều nguyên nhân, do vậy cần có sự cân nhắc quy định rõ ràng, cụ thể để các chủ đầu tư dám chỉ định thầu. Do đó, ĐB đề xuất chỉ định thầu cũng phải có giảm giá, nếu tỷ lệ đấu thầu chỉ giảm giá dưới 1% thay vì giảm giá 5%, 10% như chỉ định thầu.

Đặc biệt quan tâm đến những điều khoản liên quan đến mua sắm trong lĩnh vực y tế, ĐB Lê Văn Khảm- Bình Dương khẳng định, những cơ chế, chính sách và quy định của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này đã tạo ra cơ hội rất tốt cho người hành nghề y, cơ sở KCB cũng như người bệnh sử dụng các dịch vụ phòng bệnh, chữa bệnh. Dự thảo luật có quy định về chỉ định thầu, quy định đối với gói thầu cung cấp dịch vụ để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh phải triển khai ngay. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng về mặt kỹ thuật, đề nghị luật nên ghi là “cấp cứu người bệnh theo quy định của pháp luật về KCB”. Bởi, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã nêu rõ thế nào là tình trạng cấp cứu và các quy định liên quan đến hoạt động cấp cứu ở ngoại viện cũng như ở tại cơ sở khám, chữa bệnh. Ngoài ra, ĐB cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung áp dụng chỉ định thầu trong một trường hợp người hành nghề là bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc và vật tư y tế để điều trị cho người bệnh nhưng cơ sở KCB không có sẵn danh mục thuốc và vật tư y tế mua sắm tại cơ sở; hoặc có kế hoạch mua sắm nhưng không được, do có nhiều trường hợp bệnh lý phức tạp hoặc cơ sở KCB rất hiếm gặp các bệnh này nên khả năng các nhà thầu từ chối không cung cấp thuốc, vật tư y tế.

Để hạn chế tình trạng người hành nghề có thể lạm dụng chỉ định điều trị để chỉ định thầu, ĐB Khảm đề xuất quy định theo hướng sau khi có hội chẩn chuyên môn. Trong Luật Khám, chữa bệnh đã quy định thế nào là hội chẩn và hội chẩn gồm những biện pháp gì, hình thức nào, trong đó có cả hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh và hội chẩn từ xa. Có như vậy mới phát huy được năng lực của tuyến dưới và đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân. “Bổ sung một trường hợp nữa là trường hợp bác sĩ đã chỉ định sử dụng thuốc và vật tư y tế nhưng cơ sở không có sẵn thì được quyền chỉ định thầu để kịp thời điều trị cho bệnh nhân”- ĐB Khảm kiến nghị.

Với nội dung về mua thuốc, vật tư y tế gặp nhiều vướng mắc thời gian qua, Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm như: quy định cụ thể về các trường hợp mua sắm tập trung, đàm phán giá, chỉ định thầu mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp khẩn cấp, cấp cứu; quy định về các cơ chế mua hóa chất, thiết bị y tế để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập của mô hình máy đặt, máy mượn hiện nay, tạo cơ sở pháp lý cho việc đấu thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật bảo đảm cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời, quy định về ưu đãi trong mua thuốc để vừa tạo điều kiện cho phát triển nền sản xuất dược trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh… Ngoài ra, nhiều vấn đề lớn khác đã được tiếp thu, chỉnh lý như bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; đấu thầu trước; yêu cầu đối với thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định; lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; mua sắm tập trung; một số nội dung khác về lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất...

Thảo luận tại Phiên họp, ĐB Phạm Thị Kiều- Đắk Nông bày tỏ thống nhất và đánh giá cao Ủy ban TVQH đã tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) toàn diện. Để hoàn thiện dự thảo Luật, ĐB đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm thanh toán của chủ đầu vào Điều 78 dự thảo Luật. Cụ thể, thanh toán cho nhà thầu theo quy định trong trường hợp đã ký kết; đồng thời bổ sung vào Điều 82 trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư nội dung thực hiện các nội dung quy định đã ký kết trong hợp đồng để đảm bảo tính chặt chẽ của hệ thống pháp luật...

Theo ĐB, qua đại dịch Covid-19 đã cho thấy năng lực đáp ứng và tiếp cận các vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vaccine, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, trở ngại do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng; các quy định về quản lý, đấu thầu trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập. Để tháo gỡ những hạn chế, bất cập này, Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung “Khi có tình huống khẩn cấp, tổ chức được giao mua sắm có thể ứng trước hàng hóa để phục vụ đúng mục đích, yêu cầu cấp bách theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, sau đó thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định”.

Nguyệt Hà