Print

Xu hướng thời trang bền vững thu hút sự ủng hộ của giới trẻ Singapore

Thứ Tư, 24 /05/2023 13:06

Một số cửa hàng thời trang bền vững (sustainable fashion) do giới trẻ điều hành đang truyền cảm hứng cho làn sóng người tiêu dùng về ý thức bảo vệ môi trường ở Singapore.

Khi khách hàng bước vào Woofie's Warehouse tại Khu phức hợp mua sắm Golden Landmark, họ sẽ ngạc nhiên bởi sự vắng bóng của nhân viên cửa hàng. Thay vào đó, họ có thể tự do lựa chọn bất kỳ mặt hàng nào, từ trang phục len, denim đến vải lanh, đũi, lụa, thô và hoàn tất giao dịch bằng cách quét một trong các mã QR được dán dọc trên tường.

Woofie's Warehouse là một cửa hàng thời trang chuyên mua bán quần áo cũ từ nước ngoài

Với giá trung bình 10 SGD/sản phẩm, Woofie's Warehouse là một trong một số cửa hàng thời trang bền vững (sustainable fashion) do giới trẻ Singapore điều hành, nhắm đến đối tượng là học sinh, sinh viên, NLĐ có thu nhập thấp… vừa để đáp ứng nhu cầu về tiết kiệm, vừa truyền cảm hứng cho “làn sóng” người tiêu dùng về ý thức bảo vệ môi trường. Bởi đây là một trong những biện pháp bảo vệ môi trường độc đáo, bằng cách dùng lâu bền hoặc tái sử dụng quần áo cũ (second-hand), sẽ làm giảm lượng khí thải carbon của người tiêu dùng ra môi trường.

Vào năm 2021, cặp đôi Matthew- Desiree, 21 tuổi, sinh viên chưa tốt nghiệp thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), bắt đầu mở cửa hàng trực tuyến Woofie.co, hoạt động ở Telegram và Instagram, chuyên cung cấp quần áo cũ chủ yếu có nguồn gốc từ Nhật Bản. Họ lùng sục các trang web nước ngoài để tìm nguồn hàng; trả phí vận chuyển; nhận hàng và tiến hành sàng lọc quần áo một cách tỉ mỉ. Những món đồ tốt sẽ được làm sạch, giặt ủi và chào bán. Những món đồ hư hỏng, có khiếm khuyết như vết bẩn không thể xử lý, rách hoặc khóa kéo bị lỗi sẽ được gửi đi tái chế bằng nhiều hình thức.

“Cửa hàng của chúng tôi là sự kết hợp giữa “hoài cổ”, “tiết kiệm” và “bảo vệ môi trường”. Mỗi món đồ đã qua sử dụng có thể coi là mang đậm dấu ấn cá nhân, thậm chí phản ánh cả một thời kỳ lịch sử. Chúng đều có những câu chuyện riêng, xứng đáng được gia tăng tuổi thọ sử dụng. Sau khi hoạt động khá tốt bằng hình thức trực tuyến, chúng tôi quyết định mở cửa hàng trực tiếp, Woofie's Warehouse, vào tháng 4/2023”- Anh Matthew chia sẻ.

Hoạt động không có nhân viên, song Matthew- Desiree cho biết thêm, họ đặt niềm tin tuyệt đối vào việc khách hàng của mình, “khách hàng sẽ không vì một chút lợi nhỏ mà lấy đồ không trả tiền”.

Hikari Space theo xu hướng thời trang Y2K với các sản phẩm phi chuẩn mực giới tính (unisex) với giá cả phải chăng

Bên cạnh hướng tới thời trang bền vững, cô Audrey, 23 tuổi, tốt nghiệp ngành Kinh doanh tại Đại học Công nghệ Nanyang, chủ cửa hàng Hikari Space, nhấn mạnh là doanh nghiệp của cô theo xu hướng thời trang Y2K với các sản phẩm phi chuẩn mực giới tính (unisex) với giá cả phải chăng. Hikari Space hoạt động song song cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Với hình thức trực tiếp, nếu khách hàng có nhu cầu, nhân viên của họ sẽ tư vấn về màu sắc, chất liệu và kiểu dáng. Các sản phẩm sản phẩm phi chuẩn mực giới tính của Hikari Space cho phép mỗi người có thể khám phá nhiều phong cách khác nhau. Điểm đặc biệt của Hikari Space là sản phẩm tồn kho sẽ được xử lý theo cách tổ chức các sự kiện giảm giá (sale-off) tại kho hoặc tái chế thành mẫu mã mới; đồng thời, bao bì sản phẩm dùng chất liệu tự phân hủy. Họ cũng khuyến khích khách hàng mang theo túi đựng sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần.

The Hammock Market tập hợp nhiều cửa hàng thời trang nhỏ, lẻ do giới trẻ khởi nghiệp, thúc đẩy thời trang bền vững, thân thiện với môi trường

The Hammock Market, nằm trong Aperia Mall, là nơi tập hợp nhiều shop thời trang nhỏ, lẻ do giới trẻ khởi nghiệp, thúc đẩy thời trang bền vững, thân thiện với môi trường. Người bán hàng ở đây trưng bày các mặt hàng của họ trên võng (hammock), thay vì trên quầy hoặc xe đẩy như các nơi khác.

Một trong những người sáng lập The Hammock Market, cô Ellane, 30 tuổi, cung cấp thông tin: “The Hammock Market ra đời để lan tỏa ý niệm "thấm nhuần văn hóa tiết kiệm" trong giới trẻ. Nếu thuê gian hàng ở chợ thường có giá từ 100- 160 SGD/ngày vào cuối tuần, thì tại đây chỉ phải bỏ ra từ 58- 78 SGD. Tuy nhiên, đi kèm với yếu tố mới lạ là thách thức lớn. Chúng tôi gặp khó khăn trong việc thu hút các chủ hàng có uy tín, lẫn mở rộng tệp khách hàng. Vì vậy, chúng tôi phải xoay xở để cung cấp một số dịch vụ miễn phí và chi tiền cho hoạt động tiếp thị để thu hút nhiều người hơn nữa”.

Tin rằng giới trẻ sẽ quan tâm hơn đến phân khúc quần áo cũ hoặc phân khúc sản phẩm có giá bình dân hơn trong thời gian tới, cô Ellane nhận định: “Ý thức tiết kiệm, cũng như bảo vệ môi trường- thông qua xu hướng tiêu dùng này- sẽ trở nên phổ biến hơn, tôi nghĩ vậy. Ngay cả những thương hiệu thời trang như H&M hay Zara cũng đang nỗ lực để cung cấp nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Về lâu dài, tôi chủ quan cho rằng, chúng tôi đã đi đúng hướng”.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)