Print

Nam Định: Cần định hướng phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội

Thứ Tư, 24 /05/2023 20:10

Ngày 24/5, Đoàn khảo sát thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Ban Kinh tế Trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định.

Thành phần Đoàn khảo sát có Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn và đại diện Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH).

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài và lãnh đạo các sở, ngành, BHXH tỉnh cùng trao đổi về kết quả thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW với Đoàn khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương.

Nỗ lực gia tăng số người tham gia BHXH

Trong giai đoạn vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH; đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHXH, BHYT vào Nghị quyết, Chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; thành lập, kiện toàn BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp.

Ông Phạm Gia Túc- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định phát biểu tại buổi làm việc 

Theo báo cáo của tỉnh Nam Định, năm 2018, tỷ lệ LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH chỉ đạt 21,1%; trong đó tỷ lệ nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện là 0,52%. Đến hết năm 2022, tỷ lệ tham gia BHXH tăng lên và đạt 27,7% LLLĐ; số tham gia BHXH tự nguyện đạt 2,73%.

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2018-2022 số lượng DN ngoài quốc doanh tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng đã gia tăng nhất định. Theo đó, năm 2018, có 68 DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 65.343 lao động và 1.488 DN ngoài quốc doanh với 46.429 lao động tham gia tham gia BHXH. Đến năm 2022, đã có 104 DN FDI với 82.527 lao động và 2.340 DN ngoài quốc doanh với 69.774 lao động tham gia BHXH.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An phát biểu tại buổi làm việc 

Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác cải CCHC nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành; phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, tổ chức, DN tham gia và thụ hưởng BHXH.

Hiện nay, cơ quan BHXH đã cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các TTHC; cung cấp 20 DVC thuộc 14 TTHC của cơ quan BHXH Cổng DVC Quốc gia; cung cấp 7 DVC trên ứng dụng “VssID-BHXH số”. Mức độ hài lòng của người dân, DN về giải quyết TTHC đạt khoảng 83%.

Việc triển khai giao dịch điện tử trong tiếp nhận, giải quyết, chi trả các chế độ BHXH đật kết quả tích cực. Tính đến ngày 30/4/2023, tỷ lệ giao dịch hồ sơ điện tử trong lĩnh vực ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe đạt 99,93% số hồ sơ giao dịch.

Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06) đang được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả, nhất là các nội dung liên quan đến BHXH.

Tính đến 30/4/2023, toàn tỉnh có 284/284 đạt 100% cơ sở KCB BHYT tiếp đón bệnh nhân đến KCB bằng thẻ CCCD; có 296.535 lượt người đã dùng CCCD đi KCB BHYT. Đã xác thực 1.429.682/1.654.528 thông tin nhân khẩu (bao gồm cả nhân khẩu có số CCCD và số ĐDCN) có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm đang tham gia BHYT với CSDL quốc gia về dân cư đạt 86,41%.

Cần thêm giải pháp cụ thể

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn đánh giá, Nam Định đã triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW kịp thời, đồng bộ. BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã được thành lập, kiện toàn từ cấp tỉnh xuống tận cơ sở. Qua đó, công tác thực hiện BHXH tại Nam Định đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn phát biểu tại buổi làm việc 

Ghi nhận sự gia tăng người tham gia BHXH tại Nam Định qua các năm, tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, kết quả này còn khiêm tốn so với mức bình quân chung cả nước (khoảng 38%). Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm hơn nữa đến chỉ đạo phát triển BHXH trên địa bàn tỉnh.

Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; phát huy mạnh mẽ tiềm năng BHXH (bao gồm cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện), đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn ngừa các đơn vị SDLĐ chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT...

“BHXH tỉnh đã có tờ trình đề xuất hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, rất mong Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua cơ chế này; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan cũng như UBND các huyện, thành triển khai thật hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân”, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nêu ý kiến. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài phát biểu tại buổi làm việc

Bà Bùi Thị Kiều Ly- Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) đề cập đến tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội tại Nam Định. Cụ thể, đến năm 2023, tỷ lệ ước đạt khoảng 51,8%- con số khá tích cực. Tuy nhiên, theo bà Ly, đây là “thành quả” từ các giai đoạn trước, nếu không có giải pháp phát triển BHXH ngay từ thời điểm này, tỷ lệ nói trên sẽ giảm dần trong tương lai.

Ông Phạm Trường Giang- Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) phân tích, giai đoạn vừa qua, bình quân số tham gia BHXH tại Nam Định tăng từ 1,2-1,8%/năm. Như vậy, để đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra, mỗi năm phải tăng 5%, tức gấp 2,5 lần giai đoạn vừa qua. Sẽ là thách thức rất lớn với Nam Định.

“Phát triển BHXH gắn chặt với tình hình kinh tế-xã hội, nhất là “sức khỏe” của đội ngũ DN trên địa bàn. Vì vậy, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định có giải pháp chỉ đạo đồng bộ, thu hút mạnh mẽ đầu tư, tạo công ăn việc làm, qua đó tạo cơ sở gia tăng số tham gia BHXH”, ông Giang nói.

Xác định tư duy phát triển mới

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cho biết, giai đoạn tới, Nam Định sẽ cố gắng chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Theo đó, sẽ đưa vào hoạt động một số dự án khu công nghiệp lớn, tập trung phát triển mạnh công nghiệp. Hiện nông nghiệp đang chiếm khoảng 12%, nhưng sẽ cố gắng phát triển nông thôn mới, chuyển đổi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ngành dịch vụ cũng sẽ được từng bước tập trung phát triển. Đồng thời tăng cường đào tạo, tạo việc làm, thu hút lao động tập trung về Nam Định. “Đây là những định hướng để phát triển kinh tế, qua đó, tạo cơ sở nền tảng tăng số DN, tăng lượng việc làm và gia tăng số tham gia BHXH trên địa bàn” ông Túc nhấn mạnh.

Về cơ chế hỗ trợ tham gia BHXH, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cũng cho biết, trước mắt sẽ cố gắng xây dựng cơ chế, huy động ngân sách để hỗ trợ các nhóm yếu thế tham gia BHXH tự nguyện. Các kiến nghị phát triển BHXH từ Đoàn khảo sát cũng sẽ được Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp thu và có những chỉ đạo mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Nhắc lại quá trình phát triển BHYT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoàn nhấn mạnh: Nam Định đã rất thành công trong việc đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân, hiện đạt khoảng 94% dân số. Đạt được kết quả này là do Nam Định đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để phát triển BHYT, xây dựng cơ chế hỗ trợ hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mưc sống trung bình tham gia, đồng thời gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

“Từ bài học kinh nghiệm phát triển BHYT, chúng tôi sẽ sớm chỉ đạo nghiên cứu, trình Tỉnh ủy, HĐND ban hành cơ chế hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện” ông Trần Lê Đoài nói.

Chia sẻ những khó khăn trong phát triển BHXH tại Nam Định, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá, bên cạnh những nguyên nhân do điều kiện nội tại của Nam Định, phải tính đến các yếu tố khách quan, nhất là những ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 trong khoảng 2 năm gần đây.

Từ những định hướng đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định, ông Đỗ Ngọc An cũng bày tỏ sự tin tưởng với lộ trình phát triển BHXH tại Nam Định trong thời gian tới.

 “Từ những khảo sát DN trên địa bàn và nhất là qua tỷ lệ hài lòng về BHXH, có thể thấy, niềm tin về chính sách, pháp luật BHXH tại Nam Định rất tích cực. Đây là cơ sở quan trọng để hy vọng rằng số người tham gia BHXH sẽ tiếp tục được duy trì đà tăng mạnh hơn trong thời gian tới”, ông An cho biết.

Minh Đức